1. Nhiều học giả phương Tây nghiên cứu về quá trình tăng trưởng, phát triển kinh tế ở một số nước Đông Âu và Nga đã định nghĩa khái niệm chuyển đổi kinh tế là quá trình trong đó các quốc gia có áp dụng mô hình nền kinh tế quản lý trung ương tập quyền, mệnh lệnh hành chính, sở hữu nhà nước chiếm ưu thế, với các động lực khuyến khích phi vật chất (non-material incentives), chuyển sang hệ thống kinh tế thị trường, trong đó cơ chế kinh tế thị trường phát triển, kinh tế tư nhân đóng vai trò quan trọng, bảo vệ quyền sở hữu tư nhân, và với động lực là các khuyến khích vật chất (self-serving material incentives).
2. Các đặc trưng cơ bản của nền kinh tế trong giai đoạn chuyển đổi là thu nhập thấp, kinh tế tăng trưởng nhanh, trong khi hệ thống pháp luật chưa phát triển và chưa đầy đủ để bảo vệ các quyền về tài sản; nền kinh tế định hướng thị trường nhưng quan hệ thị trường chưa hoàn thiện. Quá trình chuyển đổi, về lý thuyết, sẽ dẫn tới hình thành nền kinh tế có đầy đủ đặc trưng kinh tế thị trường.
3. Điều cần lưu ý ở đây là, việc chuyển đổi có hiệu quả, khả thi và thành công hay không sẽ phụ thuộc vào điều kiện đặc thù về kinh tế, chính trị, văn hóa của mỗi quốc gia. Nóng vội áp dụng ngay quan hệ thị trường thay thế cho hệ thống quản lý trung ương tập quyền có thể dẫn đến những vấn đề tiêu cực, bởi nó bỏ qua sự biến đổi quan hệ xã hội cần thiết. Kinh nghiệm chuyển đổi theo ‘liệu pháp sốc’ (shock therapy) ở các nước Đông Âu và Nga cho thấy, sự không thành công của quá trình chuyển đổi có thể dẫn đến những bất ổn về mặt xã hội, như bất bình đẳng thu nhập cao, kinh tế tăng trưởng chậm, giảm hiệu quả đầu tư.
4. Nhìn từ góc độ thể chế, không nên xem nhẹ yếu tố ổn định xã hội; và nhu cầu cần thiết cải cách thể chế cần thích ứng với điều kiện chuyển đổi, đặt trong mối quan hệ giữa kinh tế thị trường với các nhân tố văn hóa xã hội. Do đó, chuyển đổi kinh tế cần đặt trong mối quan hệ chính trị, xã hội; bao quát từ góc nhìn thể chế. Chuyển đổi kinh tế, sau cùng là (vấn đề thuộc về) kinh tế chính trị.
5. Thể chế là những quy tắc, luật lệ của “trò chơi” trong xã hội (Douglass North). Thể chế không đơn giản chỉ là chế độ chính trị của một quốc gia (Ahrens và Mengeringhaus). Thể chế là những ràng buộc được tạo ra để định hình cách thức tương tác của con người; liên quan đến cơ chế cơ bản và bền vững, quản trị, chi phối động lực và hành vi hợp tác của các chủ thể trong “cuộc chơi lớn về chính trị và kinh tế” (political and economic games).
6. Mối quan hệ giữa nhà nước và khu vực tư nhân cũng thể hiện sự đa dạng của thể chế, và là yếu tố quan trọng trong hoạch định chính sách. Đây là một trong những chìa khoá cho sự thành công của quá trình cải cách.
7. Thể chế không chỉ giới hạn trong bản hiến pháp thành văn, hoặc mức độ dân chủ của xã hội; Nó bao gồm cả quyền lực và khả năng mà nhà nước điều hành, phân bổ sử dụng các nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế và quản lý xã hội. Hơn nữa, thể chế liên quan đến cách thức mà quyền lực chính trị tác động đến xã hội và cơ chế hoạt động, hợp tác giữa các nhóm khác nhau trong xã hội (Acemoglu và Robinson).
8. Thể chế là những nền tảng pháp lý của kinh tế, trong đó, cá nhân có quyền được, hoặc không được làm gì (Bromley và Yao). Khi xem xét thể chế, điều đặc biệt quan trọng là xem xét cả khía cạnh chính trị và kinh tế.
9. Thể chế kinh tế và thể chế chính trị có mối liên hệ mật thiết, hai chiều. TCKT định hình các động lực kinh tế, như hoạt động đầu tư, tiết kiệm, hay ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ. Tuy nhiên, việc quyết định TCKT đó ra sao, lại là một quá trình chính trị. Và quá trình này được quyết định bởi TCCT. Mặt khác, những thay đổi điều kiện, tình trạng kinh tế và các yếu tố thị trường cũng tác động tới TCCT.
10. Ở một góc độ tiếp cận khác, có hai loại thể chế đặc trưng, là thể chế khai thác (loại trừ), và thể chế bao gồm (dung hợp). Trong đó, đặc trưng của thể chế bao gồm là tôn trọng nhà nước pháp quyền, đề cao trách nhiệm giải trình, khuyến khích trao quyền cho số đông, và có xu hướng chống lại những hoạt động thị trường chỉ làm lợi cho một số nhóm lợi ích. Quốc gia (trở nên) thịnh vượng khi thể chế chính trị và kinh tế đều (hướng tới) là (thể chế) bao gồm (Acemoglu và Robinson).
Nguyễn Anh Phương
Bài viết này được trích dẫn lại từ một phần của bài nghiên cứu từ lâu trên chinhsach.vn, đã lược bỏ phần trích dẫn chi tiết nguồn tài liệu tham khảo (xem bản gốc), và cấu trúc lại nội dung cho phù hợp
[…] dân trong thể chế (mà) bình đẳng về quyền tự do và tham dự chính trị. Một thể chế là dân chủ khi mối quan hệ chính trị giữa nhà nước và công dân rộng khắp, […]