Nhà nước phúc lợi (welfare state) đã phát triển rất nhanh và thành công ở nhiều nước dân chủ phương Tây kể từ sau thế chiến thứ hai. Hầu hết các nước phát triển (OECD) đều áp dụng mô hình này (TEI 2012). Đồng thời, nhà nước phúc lợi cũng được nhiều học giả phương Tây xem là điều kiện để thúc đẩy xã hội dân chủ ở các nước này (Petring et al. 2012). Ngược lại, cũng có nhiều nghiên cứu chỉ ra mặt trái của mô hình này trong các nhà nước dân chủ, đặt ra những yêu cầu cải cách để giảm gánh nặng thâm hụt ngân sách, tránh sự đổ vỡ của hệ thống an sinh xã hội (Clasen 2002) và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Dân chủ và nhà nước phúc lợi
Dân chủ được hình thành và phát triển từ khoảng 500 năm trước công nguyên, khi người Hy Lạp xây dựng hệ thống nhà nước của dân và do dân (Andelman 2012). Từ đó đến nay, đã có rất nhiều những định nghĩa khác nhau về dân chủ. Nghiên cứu về nền dân chủ Hoa Kỳ, Tocqueville cho rằng, mục đích của một nhà nước dân chủ là tăng thực quyền của xã hội (Tocqueville 2012). Theo Petring et al. (2012), dân chủ có nghĩa là người dân trong thể chế (mà) bình đẳng về quyền tự do và tham dự chính trị. Một thể chế là dân chủ khi mối quan hệ chính trị giữa nhà nước và công dân rộng khắp, bình đẳng, được bảo đảm và có sự tham vấn lẫn nhau một cách chặt chẽ (Tilly 2007). Dân chủ cũng được hiểu như là một mô hình tổ chức nhà nước trên thế giới (Sen 1999).
Trong khi đó, khái niệm nhà nước phúc lợi không phải để chỉ một mô hình tổ chức nhà nước độc lập với các kiểu nhà nước trên thế giới. Theo Garfinkel et al. (2010), nhà nước phúc lợi, trước hết, là nhà nước kiểu (tổ chức) phương Tây, và tập trung vào chính sách xã hội. Nhà nước phúc lợi thường có mục tiêu cải thiện sự thịnh vượng và công bằng xã hội bằng sự phân bổ lại nguồn lực, thông qua cơ chế tái phân phối (Gao et al. 2013). Hiệu quả phân phối lại phản ánh giá trị cơ bản của xã hội và ý chí chính trị, quyền lực để đạt tới các giá trị này (Barr, 2001). Trong nhà nước phúc lợi, chính sách quan trọng liên quan tới hệ thống thuế, hệ thống hưu trí, bảo hiểm thất nghiệp, bảo đảm thu nhập cơ bản, chăm sóc sức khỏe, giáo dục và đào tạo (Petring et al 2012).
Nhà nước phúc lợi: mô hình và phát triển
Về quá trình phát triển nhà nước phúc lợi, Haggard and Kaufman (2008) chỉ ra rằng, quá trình dân chủ hóa xã hội phương tây đã đóng góp quan trọng vào việc mở rộng quyền xã hội và chính sách xã hội, từ đó dẫn đến sự hình thành nhà nước phúc lợi. Sau thế chiến thứ hai, vào khoảng thập kỷ 50-70 thế kỷ hai mươi, dưới sự ảnh hưởng bởi “Keynesians era”, các nhà nước dân chủ đã tăng cường chi ngân sách cho chính sách xã hội. Sự phát triển kinh tế đã tạo điều kiện để tăng chi tiêu của chính phủ cho các chương trình phúc lợi xã hội.
Giai đoạn dân chủ tự do hóa sau 1980, các nhà nước dân chủ vẫn duy trì sự phát triển nhà nước phúc lợi “theo hướng độc lập”. Mặc dù không phải lúc nào các nhà nước dân chủ phương tây cũng ủng hộ cho chính sách phân phối lại, do sự ràng buộc bởi các mục tiêu phát triển kinh tế, tài chính và các áp lực chính trị. Tuy nhiên, các nền tảng cơ bản của chương trình chính sách xã hội đã hình thành trong giai đoạn trước vẫn còn ảnh hưởng đến các giai đoạn sau này. Ví dụ, khi nghiên cứu về quyền xã hội ở 18 nước dân chủ phương Tây, Schmitt and Obinger (2013) chỉ ra rằng, sự khuếch tán chính sách trong các chương trình chính sách phúc lợi hiện thời có liên hệ tới sự hình thành và phát triển từ trước của mô hình nhà nước phúc lợi.
Có nhiều mô hình khác nhau về nhà nước phúc lợi (NNPL). Trong đó, phương pháp tiếp cận nổi tiếng, làm cơ sở tham khảo được đưa ra bởi Espring-Andersen (1990). Tác giả cho rằng, lịch sử của các liên minh giai tầng chính trị là một nguyên nhân chính cho sự đa dạng của NNPL. Nhà nước phúc lợi phụ thuộc vào ba nhân tố chính, đó là mức độ phi hàng hóa hóa (decommodification), sự phân tầng xã hội và tình trạng thất nghiệp. Dựa trên các tiêu chí đó, có ba kiểu chế độ NNPL: (1) nhà nước phúc lợi tự do; (2) nhà nước phúc lợi bảo thủ; (3) nhà nước phúc lợi dân chủ-xã hội […]*
Thể chế dân chủ: Quyền công dân xã hội
Với sự phát triển mạnh, chế độ NNPL đã trở thành một yếu tố hiến định của thể chế dân chủ hiện đại. Thomas H. Marshall (1949) là người đầu tiên đặt khái niệm phúc lợi làm thành tố của khái niệm quyền công dân khi cho rằng: quyền (hưởng) phúc lợi (quyền công dân xã hội – Social citizenship) là một trong ba thành phần của quyền công dân, cùng với quyền công dân dân sự (Civil citizenship) và quyền công dân chính trị (Political citizenship). Offe (1987) giải thích quyền công dân trong NNPL dân chủ tự do: công dân vừa là nguồn, là chủ thể, là “khách hàng” kết nối với chủ nghĩa tự do, dân chủ, và NNPL. Lịch sử ghi nhận quyền công dân mở rộng từ quyền dân sự đến chính trị, và tiếp đó là lĩnh vực xã hội (civil, political, and social rights). Quyền xã hội của công dân, do đó, là kết quả của quá trình phát triển NNPL trong môi trường dân chủ […]
Nhà nước phúc lợi: Những thách thức
Thất bại thị trường
Thất bại chính phủ
[…]
Kết luận
Mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức, các quan điểm thắng thế vẫn ủng hộ cho việc cải cách toàn diện mô hình NNPL, thay vì phủ định nó. Trong thể chế dân chủ phương Tây, NNPL đã phát triển thành công những thế mạnh, chứng minh sự cần thiết phải có hệ thống chính sách an sinh xã hội. Cùng với đó, sự phát triển mô hình NNPL dẫn tới mở rộng quyền công dân xã hội, được xem là điều kiện cần thiết của chế độ dân chủ.
Nguyễn Anh Phương
Gợi ý trích dẫn:
Nguyễn Anh Phương 2015, Nhà nước phúc lợi trong chính thể dân chủ phương Tây, https://chinhsach.vn/nha-nuoc-phuc-loi-trong-chinh-the-dan-chu-phuong-tay/, truy cập ngày …/…/…
Tài liệu tham khảo
Andelman, DA 2012, ‘Democracy’, World Policy Journal 2012.
Andersen, GE 1990, ‘The Three Worlds of Welfare Capitalism’.
Barr, N 2001, ‘Economic Theory and the Welfare State’.
Clasen, J 2002, ‘Modern Social Democracy and European Welfare State Reform’.
Ferragina, E & Kaiser, MS, 2011, ‘Welfare regime debate: past, present, futures?’.
Folbre, N & Wolf, D 2012, ‘The Intergenerational Welfare State’.
Garfinkel, I, Rainwater, L. & Smeeding, T 2010, ‘Wealth and Welfare States: Is America a Laggard or Leader?.
Gray, A 2004, ‘Unsocial Europe: Social protection or flexploitation?’.
Haggard, S & Kaufman, RR 2008, Development, Democracy, and Welfare States: Latin America, East Asia, and Eastern Europe.
Hazlitt, H 1946, Economics in one lesson.
Huber, E, Ragin, C & Stephens, JD 1993, ‘Social Democracy, Christian Democracy, Constitutional Structure, and the Welfare State’.
Huang, W 2008, ‘On the Universal Value and the Socialist Democracy’.
Kenworthy, L 1998, ‘Do social-welfare policies reduce poverty?.
Marshall, TH 1949, ‘Citizenship and Social Class’.
Offe, C 1987, ‘Democracy against the Welfare State?.
Petring, A, Dahm, J, Gombert, T, Krell, C, & Rixen, T 2012, Welfare State and Social Democracy.
Tilly, C 2007, Democracy.
Tocqueville, AD 2012, Democracy in America
(* đã lược bớt một đoạn…)
Ha Blue says
Bài viết khá bổ ích! Tuy nhiên, theo tôi, tác giả dịch chưa thoát ý các thuật ngữ “quyền công dân dân sự”, “quyền công dân chính trị”, “quyền công dân xã hội”. Về mặt ngữ nghĩa có thể không sai nhưng về mặt ngôn ngữ thì chưa nuột nà. Trong tiếng Việt, khi đề cập đến các quyền công dân (hoặc quyền con người), thì cách dùng sẽ là quyền dân sự, quyền chính trị, quyền xã hội của công dân (hoặc con người).
Đôi điều gửi đến tác giả để cân nhắc. Kính!
Nguyen Anh Phuong says
Cảm ơn bạn rất nhiều. Các thuật ngữ: quyền dân sự, quyền chính trị, quyền xã hội của công dân cũng đã được sử dụng/ nhắc tới trong bài viết. Các thuật ngữ này và “quyền kinh tế”… cũng rất quen thuộc hiện nay.
Còn việc sử dụng: quyền “công dân dân sự”, “công dân chính trị”… đúng là nên để trong “” vì theo sát với từ dùng của tác giả Marshall từ năm 1949 rồi 😀 (Nhấn mạnh vấn đề trong lịch sử chính sách xã hội khi mà quyền xã hội vẫn chưa được coi là một thành tố của quyền công dân)
Cảm ơn bạn đã đọc.