Giá trị đạo đức công và tư
Trong một xu hướng gia tăng sự tham gia của lĩnh vực tư vào cung cấp các dịch vụ công, đã dẫn tới nhu cầu nghiên cứu so sánh giữa các giá trị đạo đức giữa hai khu vực công và tư. Ở Việt Nam cũng đã có sự tham gia của tư nhân trong lĩnh vực công, vì thế, chinhsach.vn giới thiệu sơ lược một số nghiên cứu liên quan.
Theo Wal et al (2008), có hai hệ thống giá trị đạo đức phân biệt giữa lĩnh vực công và lĩnh vực tư. Ngoài những giá trị phổ biến, thông thường, hai hệ thống này được phân tách bởi những giá trị truyền thống riêng biệt của mỗi khu vực. Trong khi đó, tập trung vào trách nhiệm giải trình, Mulgan (2000) chỉ ra rằng điểm khác biệt cơ bản liên quan đến trách nhiệm giải trình là lĩnh vực công thì tính chịu trách nhiệm cao hơn trong quá trình và các chính sách tổng quát.
Liên quan đến giá trị đạo đức Wal et al. (2008) định nghĩa đạo đức là sự phản ánh một cách hệ thống các luân lý, phẩm hạnh, và chỉ ra sự khác nhau trong vai trò các giá trị giữa lĩnh vực công và lĩnh vực tư là rất cơ bản:
Thứ nhất, giá trị quan trọng nhất trong lĩnh vực công là trách nhiệm giải trình, trong khi đó, khả năng có lợi nhuận (khả năng sinh lời) là tiêu chuẩn hàng đầu trong lĩnh vực tư.
Bên cạnh đó, tính sinh lợi, óc sáng kiến, và sự trung thực được đánh giá là những giá trị quan trọng nhất của lĩnh vực tư. Mặc dù vậy, đây lại là những giá trị ít quan trọng nhất trong lĩnh vực công.
Ngược lại, tuân thủ pháp luật, sự liêm khiết (không tham nhũng, tham ô) và tính công bằng, vô tư là những đặc tính quan trọng trong lĩnh vực công, nhưng lại được xem là những giá trị ít quan trọng nhất trong lĩnh vực tư.
Sự khác biệt này được cho là phù hợp với những đặc trưng, mục đích và cách thức hoạt động của mỗi lĩnh vực.
Riêng đối với trách nhiệm giải trình, Mulgan (2000) xem xét ở hai lĩnh vực liên quan đến trách nhiệm giải trình đặc thù và tổng quát. Thứ nhất, lĩnh vực tư quan tâm đến hiệu suất, sự linh hoạt, mềm dẻo, đặc biệt trong việc cung cấp các dịch vụ có chất lượng, mang đến sự hài lòng của khách hàng. Mặc dù vậy, ở khu vực này ít quan tâm đến các tiêu chuẩn cao của cơ chế trách nhiệm giải trình khi so sánh với khu vực công. Thứ hai, trong trách nhiệm giải trình tổng quát, qua tiếp cận so sánh giữa (quyền) cổ đông và (quyền) công dân thì quyền cổ đông công ty tương tự như quyền của công dân đối với chính phủ. Cơ chế thực hiện quyền cổ đồng thì không mạnh và chặt chẽ như thể chế được xây dựng đối với mối quan hệ giữa công dân – chính phủ. Chính phủ có xu hướng chủ động chịu trách nhiệm trước nhu cầu và sự giám sát của cử tri. Cơ quan lập pháp cung cấp các công cụ cho nhân dân giám sát, yêu cầu chính phủ phải chịu trách nhiệm giải trình cao hơn là đối với các nhà quản lý tư nhân. Do đó, trách nhiệm giải trình trong lĩnh vực công thì nghiêm ngặt và rộng hơn so với lĩnh vực tư.
Cho đến nay, sự khác nhau này vẫn tồn tại, do sự khác biệt giữa các đặc trưng cơ bản, truyền thống ở mỗi khu vực.
Nguyễn Anh Phương
Tài liệu tham khảo
Mulgan, R 2000, ‘Comparing accountability in the public and private sectors’, Australian Journal of Public Administration, vol. 59, no. 1, pp. 87-97.
Wal, Z, Graaf, G & Lasthuizen, K 2008, ‘What’s valued most? Similarities and differences between the organizational values of the public and private sector’’, Public Administration, vol. 86, no. 2, pp. 465-82.
[…] phía nhà nước, việc này đe doạ các chuẩn mực giá trị đạo đức công vụ (Xem thêm bài: Tiêu chuẩn giá trị đạo đức trong lĩnh vực công và tư) . Ví dụ như sự tuân thủ pháp luật, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình […]