Quốc hội làm chính sách
Theo góc nhìn chung nhất thì Quốc hội hoạch định chính sách dựa trên nguyên tắc làm việc theo chế độ hội nghị và quyết định theo đa số (Luật Tổ chức Quốc hội). Hiệu quả hoạt động hoạch định chính sách của Quốc hội cũng được bảo đảm bằng hiệu quả của các kỳ họp của Quốc hội, hoạt động của UBTVQH, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn ĐBQH, các đại biểu Quốc hội…
Luật Ban hành văn bản Quy phạm pháp luật hiện hành có nhấn mạnh đến yêu cầu, nội dung chính sách trong đề nghị xây dựng luật/dự thảo luật trình Quốc hội, và đã quy định những công đoạn cần thiết để xây dựng chính sách sao cho có chất lượng nhất. Nhưng chính sách trong các đề xuất/dự thảo luật cũng như trong luật không tự nó đứng riêng rẽ, tách rời đơn giản trong một vài điều luật kiểu như: nhà nước có chính sách về lĩnh vực nào đó… Nếu chỉ đơn giản là những tuyên bố chung chung, chính sách không nên và không cần “mượn” hình thức thể hiện của một văn bản luật.
Ngay từ ban đầu khi (có sáng kiến) đề nghị xây dựng luật, cơ quan, tổ chức, cá nhân đã cần xây dựng được nội dung chính sách và báo cáo đánh giá tác động của chính sách. Nhưng ngay cả khi đề nghị xây dựng luật được chấp nhận, các đề xuất chính sách được Chính phủ “thông qua”, và được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh rồi, cũng không có nghĩa đề xuất chính sách không thể bị sửa đổi hoặc đã chắc chắn (sẽ) được thông qua.
Nói đến chính sách, là nói đến quá trình liên tục, “bắt nguồn” từ những “chủ trương, đường lối” cho đến lúc được cụ thể hóa thành tập hợp những cấp độ giải pháp chi tiết, rõ ràng, có thể thực thi trong thực tiễn. Khi đã được lựa chọn xuất hiện dưới dạng luật/bộ luật, chính sách cần được thảo luận dân chủ, công khai trên nghị trường. Nếu không thể thuyết phục được số đông những người được nhân dân trao quyền “quyết định”, giải pháp chính sách/đề xuất chính sách đó cần phải được thiết kế/xây dựng lại.
- Xem thêm: Quy trình chính sách và phân tích chính sách trong hoạt động lập pháp ở Việt Nam
- Xem thêm: Quy trình lập pháp và quy trình hoạch định chính sách ở Việt Nam
Dù còn những ý kiến khác nhau, nhưng trên thực tế, Quốc hội đã tham gia hoạch định chính sách từ rất sớm, trước khi thông qua chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm, và do đó, có ảnh hưởng không nhỏ đến việc hình thành chính sách sau này, trong quá trình thẩm tra, thảo luận nghị trường và khi bấm nút đồng ý hay không đồng ý. Đó là những hoạt động cần thiết và quan trọng.
“Giai đoạn Quốc hội” làm chính sách và làm luật tại các kỳ họp như thế nào, sẽ thể hiện vai trò, tính thực quyền và do đó, tác động đến hiệu quả trong hoạt động lập pháp: Quốc hội và các ĐBQH làm chính sách/hoạch định chính sách hay chỉ đơn giản là “phản biện” chính sách? Quốc hội có phải đơn giản chỉ là nơi thông qua hoặc không thông qua dự thảo luật?
Có điều chắc chắn là, hoạch định chính sách không phải bắt đầu, và kết thúc chỉ với một lần “bấm nút”.
Nguyễn Anh Phương
[…] đó, thực tế hiện nay hoạt động làm chính sách và làm luật của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội là đan xen, lồng ghép với nhau trong cả quá trình lập […]