Khoa học chính sách công
Nghiên cứu và ứng dụng khoa học chính sách công ở Việt Nam hiện nay vẫn còn là lĩnh vực mới, nên có nhiều khác biệt, đáng chú ý là liên quan đến việc xác định nội hàm phạm vi, khái niệm chính sách.
Có nhiều nguyên nhân, và một số trong đó là cách hiểu: thu hẹp (quá mạnh) phạm vi khái niệm chính sách/chính sách công, đồng nhất nó với (và chỉ là) những biện pháp để thực thi chính sách, những quyết định điều hành cụ thể của hệ thống cơ quan hành chính nhà nước. Rộng hơn thì cũng chỉ là những quy định do Chính phủ hành pháp ban hành, và khi đó, chính sách thường được hiểu chỉ là những quy định dưới luật.
Thêm vào đó, cụm từ hay được sử dụng theo trật tự: “pháp luật, chính sách” cũng vô tình làm cho nhiều người hiểu “không chuẩn”, rằng chỉ những gì không phải là luật, hoặc không quy định bằng luật, hoặc cấp độ dưới luật… thì mới là chính sách (?).
Trong một số tài liệu và giáo trình giảng dạy chính thức hiện nay, có quan niệm cho rằng một trong những chức năng quan trọng nhất của Chính phủ và các bộ, ngành là ban hành văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn thi hành pháp luật, trong đó nhấn mạnh khía cạnh pháp luật muốn đi vào cuộc sống thì phải có/chờ các văn bản (nghị định, thông tư) hướng dẫn; Đồng thời, lại nhấn mạnh một chức năng khác của các cơ quan này là việc xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách… Nhưng không có sự diễn giải tường minh về mối quan hệ giữa chính sách và pháp luật. Điều đó cũng có thể dẫn tới cách hiểu pháp luật và chính sách là hoàn toàn tách rời/độc lập với nhau (?).
Một cụm từ khác cũng thường được sử dụng trong nhiều văn bản là: “chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước” cũng có thể dẫn tới cách hiểu chưa đầy đủ/thậm chí “sai lệch” là: ở nước ta Đảng ban hành chính sách, còn Nhà nước chỉ ban hành pháp luật (?); Cách viết khác, có vẻ hợp lý hơn (nhưng cũng không đầy đủ), là “chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”, thì cũng cần được làm rõ thêm ở đây là: Đảng có thể ban hành “chính sách của Đảng”, nhưng đó chưa phải là “chính sách công” vì chính sách công thì do hệ thống cơ quan nhà nước ban hành.
Ngược lại, khi được hiểu ở phạm vi rộng hơn, đối với chính sách trong các văn bản luật, pháp lệnh, nghị quyết do Quốc hội (hoặc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội) ban hành và một số văn bản khác, thì trong khi khó gọi tên đúng chính sách chứa đựng trong đó là gì, vẫn có quan điểm coi chính sách là những định hướng mang tính chất khái quát chung, thậm chí như là “hô khẩu hiệu”, chỉ gói gọn trong một hoặc một vài điều khoản, dẫn đến khó triển khai trong thực tiễn. Và dễ chấp nhận rằng, như vậy là mở rộng phạm vi chính sách đến mức “vĩ mô” nhất có thể – chính sách của chính sách. Từ đó, để cụ thể hóa hay thu hẹp phạm vi lại thì có khi phải qua rất nhiều lần ban hành những văn bản hướng dẫn, như trên đã nói, mà vẫn chưa làm rõ hết nội hàm chính sách ở đây là gì. Hoặc cái gì khó gọi tên… thì gọi luôn là chính sách. Nói đến chính sách là rất chung chung…
Ngoài ra, việc thiếu vắng những nghiên cứu khoa học chính sách được phổ biến rộng, số người nghiên cứu khoa học chính sách chưa nhiều cũng dẫn tới vấn đề tồn tại trên.
Thêm những trường hợp khác nữa, tất nhiên không phải là yếu tố chủ đạo, cũng góp phần dẫn đến những khó khăn, ví dụ như khi phân biệt chức năng hành pháp của Chính phủ, giữa hành pháp và hành chính, giữa thực thi chính sách với việc quyết định chính sách (hay được gọi là các “quyết sách” của Chính phủ) trong phạm vi thẩm quyền (có thể có cả trường hợp “ủy quyền lập pháp”). Thậm chí có ý kiến “thiên lệch” khi cho rằng/khẳng định Chính phủ hành pháp mới là cơ quan quyết định chính sách ở nước ta (?)
Cũng có trường hợp, có thể trong khi tham khảo kinh nghiệm quốc tế/kinh nghiệm nước ngoài thì có việc chuyển nghĩa từ “government” chưa “chuẩn”. Ví dụ, tài liệu nguyên gốc có thể mang nghĩa chung là chính phủ hay (tương đương với) nhà nước, bao gồm cả 3 nhánh quyền là lập pháp, hành pháp, tư pháp, và khi nói về chính sách thì nên hiểu chung là “chính sách của nhà nước”, “nhà nước hoạch định chính sách”… thì lại được “dịch” sang tiếng Việt thành “Chính phủ” theo nghĩa là chỉ riêng nhánh quyền hành pháp (Chính phủ hành pháp), dẫn đến cách hiểu khác nhau về vai trò của các cơ quan tham gia hoạch định chính sách và thẩm quyền quyết định chính sách/thông qua chính sách (chính sách cơ bản, đề xuất chính sách trong các dự án luật) ở nước ta. Trường hợp này cũng có phần tương tự như việc còn nhiều cách hiểu khác nhau về khái niệm Chính phủ kiến tạo hay Nhà nước kiến tạo trong nhiều nghiên cứu khoa học ở nước ta, mà ở đó, nhiều người chỉ tập trung vào hệ thống cơ quan hành chính (một câu hỏi thú vị ở đây là, có Quốc hội kiến tạo không?).
Hay như vấn đề: khi nào, và thỏa mãn điều kiện gì thì mới là chính sách công?
Chắc chắn, đây vẫn là những vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu đối với những chuyên gia chính trị, pháp lý, và chính sách.
Mặc dù vậy, cách tiếp cận lạc quan ở đây là, nghiên cứu khoa học chính sách ở Việt Nam còn đang là “miền đất hứa” cần được khai phá, dành cho rất nhiều sinh viên chính sách công và các nhà nghiên cứu khoa học xã hội nói chung, khoa học chính sách nói riêng.
Nguyễn Anh Phương
[…] Trước hết, là những ghi chú ngắn về khoa học chính sách. DeLeon (1994) cho rằng, ‘nghiên cứu chính sách có một lịch sử dài, và một quá […]