Bất bình đẳng đang là vấn đề được quan tâm trong nghiên cứu chính sách trên thế giới. Tác động của bất bình đẳng đến kinh tế xã hội như thế nào? Tại sao cần quan tâm đến một số nguyên nhân gây ra bất bình đẳng, đặc biệt là tham nhũng?
Trong khuôn khổ một bài viết ngắn, dưới đây chỉ tiếp cận một góc nhỏ, để trả lời một phần câu hỏi trên. Bất bình đẳng là vấn đề chính sách và phát triển, cần có sự can thiệp của nhà nước. Trong đó, tham nhũng cần phải được ngăn chặn hiệu quả vì nó là một nguyên nhân gây ra bất bình đẳng thu nhập, mà hệ quả có thể tác động xấu đến kinh tế, xã hội.
Bất bình đẳng là vấn đề phát triển
Liên quan đến bất bình đẳng, mô hình ‘đường cong’ mà Kuznets (1955) đưa ra, cho rằng, bất bình đẳng sẽ tăng lên ở giai đoạn đầu của quá trình tăng trưởng kinh tế, và giảm dần ở giai đoạn sau. Đường cong có dạng chữ U ngược, sau đó được rất nhiều học giả chứng minh là phù hợp với thực tế số liệu nghiên cứu về mối quan hệ giữa bất bình đẳng và tăng trưởng kinh tế ở nhiều quốc gia. Bên cạnh đó, cũng có những nghiên cứu hoài nghi về mối liên hệ này, hoặc băn khoăn về xác định khoảng thời gian được cho là giai đoạn đầu, hay giai đoạn sau. Mặc dù vậy, cùng với một số lý thuyết phát triển khác, nó vẫn là cơ sở cho chính sách phát triển theo kiểu chủ động chấp nhận bất bình đẳng, xảy ra ở giai đoạn đầu tăng trưởng. Trung Quốc là một ví dụ điển hình, với quan điểm chấp nhận ‘một số người giàu trước’ như là một sự đánh đổi cho tăng trưởng, trong quá trình chuyển đổi kinh tế chậm, từng phần (Chan et al. 2014).
Ngược lại, trong cuốn sách ‘Tư bản trong thế kỷ 21’, Piketty (2014) đã chỉ ra vấn đề bất bình đẳng không giảm, mà đang ngày càng có xu hướng tăng lên theo thời gian, ở rất nhiều nước đã phát triển và đang phát triển. Một số lý giải về nguyên nhân, cũng như giải pháp mà Piketty đưa ra còn nhiều tranh luận, và có nhiều điểm chưa thuyết phục đã được nhiều nhà kinh tế học chứng minh (các bạn có thể tìm dễ dàng qua google). Tuy nhiên, số liệu đồ sộ, xuyên thế kỷ mà Piketty đưa ra, cho thấy tình trạng bất bình đẳng ngày càng tăng lên qua thời gian, diễn ra ở nhiều quốc gia. Chính nghiên cứu về ‘Tư bản trong thế kỷ 21’ đã ‘bẻ gãy’ đường cong Kuznets. Tăng trưởng kinh tế, tự nó không giảm được bất bình đẳng trong dài hạn. Do đó, vấn đề mà các quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển nên quan tâm, không phải là đi tìm điểm đảo ngược tình trạng bất bình đẳng. Quan trọng hơn, nó củng cố quan điểm cần sự can thiệp từ nhà nước (Thompson 2007), chủ động tìm kiếm chính sách giảm bất bình đẳng hiệu quả.
Bất bình đẳng là vấn đề chính sách
Vai trò và tác động của bất bình đẳng cũng là vấn đề còn nhiều tranh luận trái ngược:
Thứ nhất, có quan điểm ủng hộ hạn chế can thiệp đến bất bình đẳng, vì đây là động lực cần thiết cho cạnh tranh và tăng trưởng (Feldstein 1999). Mankiw (2013) phân tích bất bình đẳng dựa trên lý thuyết kinh tế như cung cầu lao động có kỹ năng cao, cải tiến công nghệ kỹ thuật có thể dẫn tới bất bình đẳng (BBĐ) thu nhập. Tuy nhiên, điều đó là lẽ thường vì người lao động có kỹ năng cao nên nhận được phần thưởng tương xứng với đóng góp của họ. Nếu BBĐ là vấn đề, đó là vấn đề tự nó. Quan điểm này đã bỏ qua một số biến số khác, ví dụ như những nguồn thu nhập bất hợp pháp, hay những chính sách thiên vị, bị tác động từ các nhóm lợi ích. BBĐ không đơn giản là vấn đề tự nó, mà là vấn đề chính sách, cần khắc phục những nguyên nhân gây ra BBĐ, mang các hiệu ứng tiêu cực
Thứ hai, bất bình đẳng tác động tới cả cá nhân và xã hội, ở cả nước phát triển và đang phát triển. Wilkinson & Pickett (2012) chỉ ra rằng các nước có tỷ lệ bất bình đẳng cao thường là những nước có chỉ số về sức khoẻ thấp. BBĐ dẫn đến những vấn đề thất bại xã hội, như phân biệt địa vị xã hội, suy giảm niềm tin xã hội và vốn xã hội (Stiglizt 2012). BBĐ cao có thể giảm nhịp độ, chất lượng và hiệu quả tăng trưởng kinh tế (Bourguignon 2003, Perera & Lee 2013). Ở Mỹ, một vấn đề lo ngại mà nhiều nhà nghiên cứu chỉ ra là bất bình đẳng có thể gây hại cho nền dân chủ, khi mà các nhóm nhỏ giàu có ảnh hưởng đến quá trình hoạch định chính sách công (Gilens 2013), ví dụ như trong lĩnh vực giáo dục hay chính sách phân phối lại (Stiglizt 2012). Số đông người ở “phần đáy” tháp thu nhập thường khó tiếp cận các dịch vụ y tế giáo dục chất lượng cao. Trong khi đó, Acemoglu et al. (2015) cũng khẳng định không có mối liên hệ rõ ràng giữa dân chủ và giảm BBĐ. Do đó, BBĐ là một vấn đề chính sách kinh tế – xã hội ở cả nước đang phát triển và đã phát triển, do thất bại nhà nước dẫn đến thất bại xã hội.
Tham nhũng: một ‘nguyên nhân xấu’ của bất bình đẳng
Từ cách tiếp cận thể chế (Acemoglu & Robinson 2014), chính phủ nên đặt trong tâm vào giải quyết những nguyên nhân dẫn tới bất bình đẳng, mà hệ quả của nó có thể dẫn tới những bất ổn xã hội. Nghĩa là, có những nguyên nhân gây ra bất bình đẳng, nhưng không dẫn tới nhiều tác động tiêu cực, thậm chí còn có tính tích cực trong việc khuyến khích cạnh tranh phát triển. Ví dụ như những người lao động có kỹ năng cao, những siêu sao bóng đá, điện ảnh có thu nhập cao, từ đó tạo ra bất bình đẳng thu nhập, nhưng ít gây ra những hệ quả xấu. Trong khi đó, bất bình đẳng do tham nhũng là một nguyên nhân gây tác động bất ổn, xung đột xã hội. Cơ chế quản lý có lỗ hổng dẫn đến tham nhũng tràn lan thì mức độ xung đột càng gay gắt. Nói cách khác, tham nhũng là một nguyên nhân gây ra bất bình đẳng. Và bất bình đẳng này có nguy cơ dẫn tới xung đột xã hội. Vì thế mà Trung Quốc coi việc chống tham nhũng như là một cách để giữ tính chính danh của Đảng cộng sản Trung Quốc.
Bất bình đẳng và tham nhũng ở một số nước đang phát triển
Đối với một số nước đang phát triển mà tỷ lệ tham nhũng cao, việc giảm BBĐ thu nhập không đơn giản. Bởi vì tham nhũng cao và số người giàu có nhanh chóng do những khoản thu nhập bất hợp pháp là một nguyên nhân dẫn đến bất bình đẳng. Hơn nữa, đối với một số nước đang phát triển, vấn đề quyền tài sản chưa được pháp luật bảo vệ chặt chẽ (De Soto 2000), là cơ hội cho tham nhũng, và do đó, gia tăng bất bình đẳng. Kiểu giàu có này không trên cơ sở những cống hiến hay đóng góp cho xã hội như một số phân tích kể trên. Nó thúc đẩy những động lực tiêu cực và không bền vững, nhưng lại rất hấp dẫn.
Thể chế kinh tế, trách nhiệm giải trình yếu có thể dẫn đến tham nhũng tràn lan (Mulgan 2012), từ đó gia tăng BBĐ và xói mòn niềm tin xã hội. Ví dụ, cải cách kinh tế dùng liệu pháp sốc ở nhiều nước Đông Âu, đặc biệt là Nga, đã chuyển tài sản của nhà nước sang một nhóm nhỏ với giá thấp và cơ chế lỏng lẻo, nhanh chóng tạo ra một tầng lớp nhỏ rất giàu có trong xã hội (Marangos 2011). Trong khi đó, cải cách chậm, từng phần của Trung Quốc cũng đem đến nhiều thách thức. Quá trình cổ phần hoá các công ty nhà nước cũng đem đến những lợi ích lớn cho nhóm nhỏ. Ngược lại, số đông người lao động chỉ hưởng lợi một phần nhỏ từ tăng trưởng kinh tế nhanh (Lu et al. 2013). Đặc biệt, vấn đề tham nhũng trong lĩnh vực đất đai ở Trung Quốc là nguyên nhân tiềm ẩn cho các xung đột xã hội, đe doạ tính chính danh của đảng cộng sản Trung Quốc (Knight 2013). Ở Trung Quốc, khi mà phân quyền cho các địa phương có nhiều mặt tích cực, thì ngược lại, thẩm quyền quản lý đất đai ở cấp độ địa phương tăng lên đã làm cho một số công chức địa phương và nhóm lợi ích có nhiều cơ hội hơn để tham nhũng. Trong một nghiên cứu đưa ra, có hơn 50% số người trong diện giải toả nhận đền bù giải phóng mặt bằng thấy thất vọng với chính sách quản lý đất đai này (Landesa 2012). Chính vì thế, mặc dù duy trì chính sách chủ động chấp nhận BBĐ, đến nay, BBĐ thực sự là vấn đề của Trung Quốc (Salidjanova 2013). Do vậy, cơ chế dẫn tới tham nhũng tràn lan sẽ giảm hiệu quả quản lý và gia tăng BBĐ (Andres & Ramlogan-Dobson, 2011).
Kết luận
Bất bình đẳng không chỉ tác động đến cá nhân mà còn cả xã hội. Nó xảy ra ở cả các nước phát triển và đang phát triển. Tăng trưởng kinh tế tự nó không giảm được BBĐ mà cần thiết có sự can thiệp của nhà nước. Một khi nhà nước thất bại trong chính sách can thiệp, sẽ dẫn tới những thất bại xã hội, mà BBĐ là vấn đề ngày càng được quan tâm. Một trong những nguyên nhân của BBĐ, chính là cơ chế quản lý yếu kém dẫn tới tham nhũng, đặc biệt ở một số nước đang phát triển, trong quá trình cải cách chuyển đổi kinh tế. Vì thế, giảm bất bình đẳng ở các quốc gia này cần tiến hành song song với chống tham nhũng một cách hiệu quả.
Nguyễn Anh Phương
Gợi ý trích dẫn
Nguyễn Anh Phương 2015, Vấn đề chính sách: Bất bình đẳng và tham nhũng, https://chinhsach.vn/van-de-chinh-sach-bat-binh-dang-va-tham-nhung/, truy cập ngày …/…/…
Tài liệu tham khảo
Acemoglu, D, Naidu, S, Restrepo, P & Robinson, J 2015, Chapter 21: Democracy, Redistribution, and Inequality, in Handbook of Income Distribution.
Andres, A, & Ramlogan-Dobson, C 2011, Is corruption really bad for inequality? Evidence from Latin America, Journal of Development Studies.
Bourguignon, F 2003, ‘The poverty-Growth-Inequality triangle’, Research on International Economic Relations.
Chan, K, Zhou, X & Pan, Z 2014, ‘The growth and inequality nexus: The case of China’,International Review of Economics and Finance.
De Soto, H 2000, The mystery of capital: why capitalism triumphs in the west and fails everywhere else.
Feldstein, M 1999, ‘Reducing poverty, not inequality’, The Public.
Gilens, M 2013, Affluence and influence: economic inequality and political power in America, Princeton University Press.
Knight, J 2013, Inequality in China: an overview, The World Bank Research Observer.
Kuznets, S. (1955), ‘Economic Growth and Income Inequality’, American economic Review.
Landesa 2012, Insecure land rights: the single greatest challenge facing China’s sustainable development and continued stability, Rural Development Institute.
Mankiw, NG 2013, Defending the One Percent, Journal of Economic Perspectives.
Marangos, J 2011, ‘Social Change versus Transition: The Political Economy
of Institutions and Transitional Economies’, For Soc Econ.
Nafziger, EW 2012, Economic Development, Cambridge University Press, 5th ed.
Perera, L, Lee, G 2013, ‘Have economic growth and institutional quality contributed to poverty and inequality reduction in Asia?’, Journal of Asian Economics.
Piketty, T 2014, Capital in the Twenty-first century, Harvard University Press.
Thompson, MJ 2007, The Politics of Inequality: A Political History of the Idea of Economic Inequality in America.
Salidjanova, N 2013, ‘China’s new income inequality reform plan and implications for rebalancing’, U.S-China Economic & Security Review Commission.
Stiglitz, JE 2012, The price of inequality: How today’s divided society endangers our future, Norton & Company.
Wilkinson, R & Pickett, K 2012, The spirit level: Why greater equality makes societies stronger, Bloomsbury Press.
[…] bình đẳng (Guiga & Rejeb 2012). Trường phái ủng hộ Kuznets như trong bài viết Vấn đề chính sách: Bất bình đẳng và tham nhũng đã nhắc đến, thì cho rằng bất bình đẳng tăng, và giảm trong các chu kỳ tăng […]