Truyền thông có tác động tới việc hoạch định chính sách ở nhiều mức độ khác nhau. Các vấn đề công, vấn đề xã hội thường được báo chí, hay các phương tiện truyền thông mạng xã hội trực tiếp phản ánh và có thể nhanh chóng “nóng lên” trong nghị trường Quốc hội, hay trong các phiên họp của Chính phủ (rất dễ quan sát thấy ở Việt Nam hiện nay).
Nhưng sự “định hướng” dư luận của truyền thông có thể tạo ra áp lực lớn đến nghị trình chính sách?
Sự ảnh hưởng của truyền thông
Đưa cuộc sống vào chính sách, và đưa chính sách vào cuộc sống.
1. Theo nghiên cứu của Kingdon thì truyền thông thường phản ánh những sự kiện, vấn đề mang tính ngắn hạn. Độc giả có thể mệt mỏi khi phải đọc mãi về một vấn đề, và khiến họ thấy nhàm chán. Do đó, truyền thông và cụ thể là báo chí bị áp lực luôn phải chuyển sang tìm kiếm những chủ đề mới. Cũng chính vì thế mà vấn đề được các phương tiện truyền thông nêu ra thường chưa đủ thời gian và sức nặng để trở nên thực sự ảnh hưởng tới các đề xuất chính sách.
Tuy nhiên, điều này có thể thay đổi trong kỷ nguyên công nghệ số, với sự đa dạng của các loại hình truyền thông và “báo chí công dân”, khi mà “người đọc” không chỉ đóng vai trò thụ động tiếp nhận thông tin, mà còn có sự tương tác trực tuyến, chủ động tạo ra những làn sóng phản hồi và không dễ bị “kiểm duyệt”.
2. Tiếp đó, báo chí truyền thông chính sách thường phản ánh những gì nhà nước/chính phủ đang làm, hoặc những vấn đề mà các công chức/viên chức đã (biết) và (đang) nghiên cứu, phân tích. Các phản ánh báo chí thường ở những giai đoạn sau của quy trình hoạch định chính sách, mà ít có tác động vào giai đoạn đầu trong việc lập nghị trình chính sách (Kingdon).
Vì vậy, để nâng cao vai trò của báo chí, truyền thông, tạo ra những ảnh hưởng tích cực, thì sự chủ động phát hiện vấn đề, tham gia sớm vào giai đoạn đầu của chu trình chính sách là rất cần thiết, nhưng không dễ dàng.
3. Mặc dù rất khó để đo lường mức độ ảnh hưởng, và ảnh hưởng trực tiếp của truyền thông có thể thấp hơn kỳ vọng, nhưng nó cũng có những tác động theo nhiều cách riêng đặc trưng:
Truyền thông đại chúng nói chung, theo lý thuyết về vai trò và sự ảnh hưởng của truyền thông tới việc lập nghị trình chính sách, có những tác động tới quá trình chính sách và chính trị, thông qua việc tạo ra chương trình nghị sự của truyền thông. Nghị trình truyền thông là việc truyền thông lựa chọn một số vấn đề, và các sự biến trong xã hội để tập trung nhấn mạnh và phản ánh, bao phủ các nội dung này, trong đó đóng vai trò tích cực là báo chí. Những thông tin đó lại tác động tới các quan điểm, niềm tin và sự ưu tiên vào nhóm vấn đề mà công chúng quan tâm, hình thành nghị trình của công chúng, hay nghị trình công cộng. Đến lượt nó, nghị trình công cộng sẽ gây ảnh hưởng tới việc lập nghị trình chính sách chính thức, và cả quá trình hoạch định chính sách (Dearing, Rogers, 1996).
Truyền thông cũng cung cấp các công cụ giao tiếp, kết nối giới nghiên cứu chính sách. Mà đây là yếu tố tích cực, nhất là trong thời đại công nghệ phát triển hiện nay thì cộng đồng chính sách dễ dàng hình thành các mạng lưới chính sách thông qua môi trường Internet, dễ dàng tương tác thông tin hai chiều với báo chí…
Truyền thông cũng có thể ảnh hưởng gián tiếp, ví dụ như các đại biểu quốc hội có thể hướng sự chú ý của mình vào một vấn đề phản ánh qua truyền thông, và sau đó tìm hiểu thêm về nó, xem xét, thảo luận đưa vào nghị trình chính sách.
Ngược lại, đôi khi, sự rò rỉ thông tin từ chính nghị trường hay các quá trình chính sách và chính trị có thể trở thành một vấn đề thu hút dư luận, phản biện, và từ đó làm thay đổi một đề xuất hay giải pháp chính sách.
Ngoài ra, ảnh hưởng của truyền thông đến quá trình chính sách, tác động đối với các nhà hoạch định chính sách cũng khác nhau tùy mức độ quan tâm và vị trí của mỗi đại biểu Quốc hội hay các thành viên Chính phủ. Các báo chí chuyên ngành lại có thể ảnh hưởng nhiều hơn với lĩnh vực của nó.
Hoặc theo tính chất bắc cầu như đã nói ở trên, truyền thông ảnh hưởng đến ý kiến công chúng. Ý kiến của công chúng lại là một trong những yếu tố quan trọng, ảnh hưởng đến các nhà hoạch định chính sách. Bởi vì các chính trị gia, các đại biểu dân cử cần “lắng nghe” và “phản hồi” tích cực để có được sự ủng hộ, bỏ phiếu cho họ trong kỳ bầu cử tiếp theo. Tương tự, bộ máy hành chính thực thi chính sách và ban hành các chính sách trong phạm vi thẩm quyền cũng cần phải “lắng nghe” tiếng nói phản biện đa chiều từ truyền thông và công chúng. Do vậy, vấn đề lúc đó lại có thể thu hút mối quan tâm của các chính trị gia, các đại biểu Quốc hội… để tác động đến quá trình hoạch định chính sách.
Hạn chế
3. Tuy nhiên, một nghiên cứu về các vấn đề chính sách ở các nước như Đức, Anh, Đan Mạch, Thụy Điển, Hà Lan cho thấy, mặc dù ý kiến công chúng có sự ảnh hưởng tích cực đến thành công của các vận động chính sách, nhưng sự ảnh hưởng có thể không lớn như kỳ vọng khi so sánh với ảnh hưởng của những người/nhóm người vận động, ủng hộ cho một chính sách cụ thể; Các nhóm lợi ích, những chủ thể cung cấp nguồn lực tài chính và nhân lực phân tích chính sách hỗ trợ cho các nhà chính trị thường có những ảnh hưởng lớn, đến mức các chính trị gia có thể xem nhẹ những “áp lực” từ phía truyền thông và công chúng (Anne Rasmussen 2018)*.
4. Không phải vấn đề chính sách nào cũng thu hút được sự chú ý của truyền thông cũng như công chúng. Nhất là đối với những chủ đề, lĩnh vực có thể bị “bỏ qua” do “khô khan”, ít người muốn đọc; hoặc đòi hỏi chuyên môn sâu, từ cả phía những người làm truyền thông, báo chí nếu muốn viết bài, phản ánh.
5. Và như đã nói ở trên, nghị trình truyền thông và sự hạn chế của truyền thông chính sách là thường muốn tập trung vào các sự biến, những vấn đề dễ gây tò mò, hiếu kỳ, ít phải suy nghĩ cẩn trọng khi người đọc tiếp nhận thông tin nhiều như hiện nay; hoặc cùng một vấn đề nhưng lại chỉ khai thác một số khía cạnh, một chiều mà không cung cấp được bức tranh toàn cảnh.
Thêm vào đó, nếu các tin tức được cung cấp dưới “lăng kính” của “nhà báo” hay tòa soạn đã được “chế biến” thiếu sự khách quan, trung thực, vi phạm nguyên tắc đạo đức báo chí nhằm tạo ra các tin giả, sai lệch, thậm chí cực đoan, duy ý chí, không minh bạch… thì sẽ dẫn đến sự thiếu tin tưởng của người đọc, công chúng vào nghị trình truyền thông.
Vì vậy, nếu việc xây dựng nghị trình chính thức chỉ luôn “chạy theo” dư luận, hoặc chịu quá nhiều áp lực từ dư luận xã hội…, thì sẽ dẫn đến tình huống có nhiều vấn đề dù quan trọng cũng không được phản ánh, hoặc thậm chí phản ánh sai lệch, hay không khách quan. Khi đó, nếu các chính trị gia cũng chỉ hướng sự chú ý theo truyền thông và công luận, hoặc quá chủ quan khi xem nhẹ “dư luận xã hội” trong hoạch định chính sách… thì những vấn đề chính sách quan trọng đó có thể bị gạt ra khỏi chương trình làm việc. Mà điều này thì lại có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả làm chính sách.
Giải pháp
6. Hướng tới những tác động tích cực của truyền thông vào quá trình làm thay đổi chính sách, mở rộng và bảo vệ các giá trị dân chủ.
Báo chí truyền thông có thể tham gia ngay vào các giai đoạn từ khi phát hiện vấn đề, phân tích chính sách. Hợp tác với các chuyên gia phân tích chính sách, tham gia vào mạng lưới chính sách, sử dụng kết hợp các phương tiện như email, blogs, tweets, web pages… để tác động, giao tiếp, truyền thông về tiến trình phát triển một dự thảo chính sách, cho đến khi nó được đưa vào chương trình và trải qua các công đoạn hình thành, thực thi và đánh giá.
Sự tham gia của truyền thông nên dựa trên các giai đoạn của quy trình chính sách, và phản ánh theo các dòng thông tin về vấn đề xã hội, dòng thông tin về chính trị (bối cảnh, môi trường và sự tương tác chính trị…), dòng thông tin chính sách liên quan đến các phương án, giải pháp chính sách; quan tâm đến điều kiện, sự hội tụ của các dòng thông tin này để tác động hiệu quả vào giai đoạn lập nghị trình chính sách (dựa theo lý thuyết về “cửa sổ cơ hội” chính sách của Kingdon).
Ngoài các bài viết, nên khai thác sử dụng các hình ảnh chính sách mà có thể cung cấp những bằng chứng thực tế, sinh động và gây ấn tương mạnh về một vấn đề, từ đó cung cấp những bằng chứng đủ để cần có những giải pháp chính sách được ban hành (Leslie Pal 2014)… Hiện nay, với sự hỗ trợ của truyền thông đa phương tiện và công nghệ hiện đại thì các loại hình báo chí truyền thông có thể cung cấp không giới hạn các nội dung chữ viết, âm thanh, hình ảnh, video minh họa sống động, đạt hiệu quả cao trong truyền thông chính sách. Tuy nhiên, cần lưu ý điều này không có nghĩa là được phép lạm dụng hình ảnh dẫn tới sự xâm phạm quyền riêng tư và các giá trị đạo đức, nhân quyền… được pháp luật tiến bộ bảo vệ.
Bên cạnh đó, đội ngũ làm truyền thông chính sách cũng cần phải tự “nâng” mình lên, nếu không muốn bị “việt vị” vì chỉ nhằm cắt gọt thông tin cho “giật gân”, “câu khách” khi phân tích, bình luận về các giải pháp chính sách, mà lại thiếu kiến thức nền, sự am hiểu về chính sách công, quy trình hoạch định chính sách, cũng như sự nhạy cảm chính trị cần thiết.
Nguyễn Anh Phương
Gợi ý trích dẫn:
Nguyễn Anh Phương 2015, Vai trò của truyền thông trong hoạch định chính sách, https://chinhsach.vn/vai-tro-cua-truyen-thong-trong-hoach-dinh-chinh-sach/, truy cập ngày …/…/…
Tài liệu tham khảo
Anne Rasmussen, Lars Kai Mäder & Stefanie Reher 2018, With a Little Help From The People? The Role of Public Opinion in Advocacy Success.
Dearing, J.W., Rogers, E. M 1996, Agenda-Setting. Communication Concepts.
Thousand Oaks, California, USA: Sage Publications, Inc. Kingdon, J.W., Agendas, Alternatives and Public Policies, Second Edition ed. 2011, Boston: Longman.
Leslie Pal 2014, Beyond Policy Analysis – Public Issue Management in Turbulent Times, Fifth Edition, Nelson Education, Toronto.
* Tài liệu trích dẫn này được bổ sung cho lần sửa chữa, cập nhật nội dung bài viết tháng 8/2020.
Minh Huy says
đề nghị anh phân tích xu hướng cụ thể trong việc hoạnh định chính sách ảnh hưởng trực tiếp đến DN và nền kinh tế VN trong thời gian tới khi tham gia đầy đủ vào AFTA, TPP…