Truyền thông chính sách
Truyền thông chính sách là một khái niệm khá mới ở nước ta, và thường xuyên được nhắc tới thời gian qua.
Có những nghiên cứu tiếp cận truyền thông chính sách ở giai đoạn sau của quy trình chính sách, nghĩa là sau khi chính sách được ban hành, thì các phương tiện truyền thông nói chung và báo chí nói riêng tích cực tuyên truyền, giới thiệu, vận động, thuyết phục, làm cho người dân hay cụ thể là những đối tượng bị tác động bởi chính sách hiểu được lý do vì sao chính sách được ban hành và những lợi ích của nó đối với cộng đồng, mục đích tạo ra những sự đồng thuận xã hội…
Có những nghiên cứu tiếp cận truyền thông chính sách (TTCS) ở góc độ như là “cánh tay nối dài” của các cơ quan nhà nước (bộ, ngành…), thông qua những bộ phận chuyên môn, hoặc mối quan hệ hợp tác trao đổi hỗ trợ thông tin với các cơ quan báo chí để tuyên truyền, giới thiệu, làm cầu nối, tác động đến dư luận xã hội hoặc các chủ thể hoạch định chính sách khác để tìm kiếm sự ủng hộ cho các (đề xuất/hoặc việc thực thi) chính sách liên quan đến ngành, lĩnh vực quản lý…
Có những nghiên cứu tiếp cận chú trọng vào vai trò phản biện chính sách của truyền thông – báo chí đối với các đề xuất chính sách hoặc đánh giá chính sách. Sự chủ động tham gia phản biện của TTCS, kết hợp với chức năng “giám sát” của báo chí, và quy định về lấy ý kiến nhân dân đối với các dự thảo chính sách, sẽ góp phần mở rộng cánh cửa đối thoại hai chiều giữa phía công quyền và người dân để tìm kiếm giải pháp chính sách phù hợp.
Có những nghiên cứu tiếp cận TTCS là cách thức mà các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh kịp thời, liên tục với công chúng về quá trình hoạch định chính sách theo ngôn ngữ báo chí, góc nhìn báo chí đa chiều, và với một đội ngũ có những am hiểu nhất định về công việc phân tích, đánh giá chính sách.
Và đương nhiên, có cách tiếp cận hỗn hợp bao gồm cả 4, hoặc kết hợp nhiều cách thức đơn lẻ nói trên, tựu chung lại, đều cho thấy xu hướng đề cao vai trò của TTCS trong kỷ nguyên thông tin – nhấn mạnh đến truyền thông kiến tạo.
Có thể nói, không có ranh giới ưu việt, hay chuẩn mực phân định rõ ràng trong các cách tiếp cận trên đây. Bởi lẽ trên thực tế, truyền thông nói chung và báo chí nói riêng, không chỉ dựa trên việc thông tin chính sách, mà (qua đó) cũng là một chủ thể có sự tham gia (và ảnh hưởng) vào tất cả các giai đoạn của quá trình hoạch định chính sách công.
Với những lợi thế của cơ quan báo chí/truyền thông trong việc khai thác/cung cấp thông tin, và sự hỗ trợ hiệu quả của công nghệ ngày càng hiện đại, các loại hình truyền thông có những “quyền lực” đặc thù nhất định tác động vào việc hình thành chính sách, nhất là khi truyền thông có sự ủng hộ (có thể tích cực hoặc tiêu cực) từ công luận.
Điều cần nghiêm túc nghiên cứu dự báo trước, nhưng lại ít thấy được nhắc đến, là TTCS, ở phía “bóng tối” của nó, có thể vượt ra ngoài ý nghĩa chỉ là “công cụ”/ “cầu nối” hay chỉ đóng vai phản biện trung lập khách quan: Đó có thể là vai trò “dẫn dắt” một xu hướng tiêu cực, thậm chí “thao túng” việc hoạch định chính sách, xa rời các giá trị dân chủ, nhân bản và phát triển. Điều này cũng nguy hại không khác gì “tham nhũng chính sách”.
với phát triển bền vững
Dưới góc độ phát triển bền vững, thì khi cơ quan truyền thông hoặc cá nhân (nhà báo) đi ngược các mục tiêu phát triển bền vững, sẽ không còn là cách tiếp cận truyền thông chính sách đúng đắn, đáng tin cậy nữa.
Nguyễn Anh Phương
[…] Truyền thông chính sách và phát triển bền vững says: 09/07/2020 at 2:59 pm […]