Hoạt động lập pháp: Đề nghị xây dựng luật và phân tích chính sách
Kể từ khi Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 được Quốc hội khóa XIII thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/7/2016, việc xây dựng nội dung chính sách (theo Điều 34), và báo cáo đánh giá tác động chính sách của dự án luật, pháp lệnh (theo Điều 35) đã chính thức trở thành yêu cầu luật định trong quy trình xây dựng luật, pháp lệnh ở nước ta.
Cũng theo Điều 33. Kiến nghị về luật, pháp lệnh, đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh của đại biểu Quốc hội, thì Văn phòng Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp có chức năng hỗ trợ đại biểu Quốc hội lập văn bản kiến nghị về luật, pháp lệnh, hồ sơ đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh.
Về Hồ sơ đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, Điều 37 Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định, gồm có:
“a) Tờ trình đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, trong đó phải nêu rõ: …nội dung của chính sách trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, các giải pháp để thực hiện chính sách…;
b) Báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh;
c) Báo cáo tổng kết việc thi hành pháp luật hoặc đánh giá thực trạng quan hệ xã hội liên quan đến đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh; …”
Điều 5, Điều 6, Điều 7 Nghị định 34/2016/NĐ-CP cũng làm rõ thêm các nội dung này.
Như vậy, về cơ bản, các quy định về đánh giá tác động chính sách này cũng phù hợp với một số yêu cầu, các bước cụ thể trong một quy trình phân tích chính sách nói chung, từ việc xác định vấn đề bất cập, mục tiêu giải quyết, đến giải pháp đề xuất, lựa chọn.
Một số gợi mở
Tuy nhiên, để triển khai cụ thể trên thực tế nhằm xây dựng được các nội dung chính sách có chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu xây dựng luật, pháp lệnh hiện nay, cần có những hiểu biết chuyên sâu về phân tích chính sách, cũng như có những tài liệu hướng dẫn chi tiết, các tiêu chí phân loại đánh giá cụ thể, phương pháp xác định vấn đề, trình tự phân tích, đề xuất và phương pháp luận giải lý do lựa chọn các giải pháp chính sách, giúp cho việc chuẩn bị các báo cáo phân tích chính sách, đánh giá chính sách có chất lượng cao hơn, cũng như việc phản biện các đề xuất chính sách có cơ sở khoa học và thuyết phục hơn.
Mặc dù vậy, cho đến nay, vẫn còn thiếu những nghiên cứu khoa học chính sách đầy đủ, chi tiết về phân tích chính sách công phù hợp với hoạt động thực tiễn các cơ quan phục vụ hoạt động của Quốc hội Việt Nam nói chung, Văn phòng Quốc hội và Viện Nghiên cứu lập pháp nói riêng, để giúp cho các cơ quan này thực hiện hiệu quả hơn chức năng hỗ trợ ĐBQH như đã nói trên.
Bài viết này chỉ dừng lại ở việc nêu vấn đề, gợi mở hướng nghiên cứu. Các bài nghiên cứu sau sẽ phân tích cụ thể và đánh giá một số Báo cáo đánh giá tác động của chính sách, chỉ ra những nội dung cần cải tiến phương pháp, giải pháp nâng cao chất lượng phân tích chính sách công, đánh giá chính sách công, phục vụ hoạt động lập pháp của Quốc hội nước ta…
Nguyễn Anh Phương
Leave a Reply