Chính sách quản lý, giảm thiểu việc buôn bán và tiêu thụ thịt động vật nuôi (chó, mèo)
Buôn bán và tiêu thụ thịt động vật nuôi (chó, mèo) cùng với những mặt trái, hệ luỵ, tác động tiêu cực đối với người dân, cộng đồng, xã hội ở nước ta hiện nay vẫn đang là một trong những vấn đề chính sách cần tiếp tục được quan tâm và sớm có những giải pháp hiệu lực, hiệu quả.
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác thực thi chính sách, pháp luật về quản lý và đối xử nhân đạo với động vật nuôi (chó, mèo), giảm thiểu việc tiêu thụ thịt từ động vật nuôi (chó mèo), Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu Dân cử – Ban Công tác Đại biểu đã tổ chức Toạ đàm: Buôn bán và tiêu thụ thịt động vật nuôi (chó, mèo): Chính sách, cơ hội và thách thức (ngày 4/7/2023 tại Hà Nội).
Qua nghiên cứu tài liệu và các tham luận tại Toạ đàm, dưới góc độ nghiên cứu về vận động chính sách, ủng hộ chính sách, có thể thấy các tổ chức quốc tế, liên minh vận động chính sách (Tổ chức Truyền thông thay đổi hành vi Intelligentmedia, Soi Dog, Global Alliance for Rabies Control…) cùng tham gia phối hợp tổ chức Toạ đàm đã có cách tiếp cận, triển khai bài bản, tích cực và phù hợp với công tác vận động chính sách.
Các báo cáo nghiên cứu được chuẩn bị, công bố và thuyết trình tại Toạ đàm đã khái quát được các vấn đề chính sách liên quan đến quản lý và đối xử nhân đạo với động vật nuôi (chó, mèo), thông qua việc tuyên truyền, giới thiệu thông tin, cũng như có một số chuyên gia trực tiếp tham gia nghiên cứu về thực trạng buôn bán thịt chó mèo; chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về bệnh dại và phòng chống bệnh dại, kinh nghiệm quốc tế về việc kiểm soát và loại trừ bệnh dại lây truyền từ chó sang người bị suy yếu do hoạt động buôn bán chó mèo; kế hoạch hành động quốc gia chấm dứt buôn bán thịt chó và thực thi pháp luật liên quan; kinh nghiệm quốc tế về quản lý, giảm thiểu, chấm dứt buôn bán và tiêu thụ thịt động vật nuôi (chó, mèo), bảo vệ động vật nuôi ở các nước như Philippines, Thái Lan và hàm ý chính sách đối với Việt Nam.
Trên cơ sở đó, theo đánh giá của chúng tôi, hiện nay vẫn tồn tại những thách thức không nhỏ đặt ra đối với nước ta, đòi hỏi phải có những giải pháp chính sách thiết thực, phù hợp, đồng bộ, nhằm nâng cao hiệu quả chính sách quản lý, giảm thiểu việc buôn bán và tiêu thụ thịt động vật nuôi (chó, mèo), đó là:
– Cần đa dạng hoá, đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng và xã hội về chính sách, pháp luật liên quan đến việc quản lý, đối xử nhân đạo với động vật nuôi và cấm ngược đãi động vật;
– Cần có thêm những nghiên cứu so sánh, nghiên cứu thực chứng và cụ thể về khái niệm, sự cần thiết bảo đảm phúc lợi của động vật nuôi trong mối tương quan với các hoạt động sinh kế của người dân có liên quan; trách nhiệm của chủ sở hữu và các điều kiện bảo đảm đối với quyền sở hữu vật nuôi;
– Cần có mục tiêu, lộ trình thời gian cụ thể trong triển khai, thực thi chính sách quản lý, giảm thiểu việc buôn bán và tiêu thụ thịt động vật nuôi (chó, mèo), các điều kiện kinh doanh đối với những lĩnh vực có liên quan, lộ trình và chính sách ưu tiên chuyển đổi sinh kế của nhóm người bị tác động bởi chính sách v.v.
Trong đó, vai trò của các cơ quan Nhà nước, các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương là rất quan trọng, cần thiết để góp phần tạo được sự đồng thuận, ủng hộ trong quá trình hoạch định, ban hành và thực thi chính sách quản lý, giảm thiểu và tiến tới chấm dứt việc buôn bán, tiêu thụ thịt động vật nuôi (chó, mèo) ở nước ta.
Leave a Reply