1. Từ năm 2015, Liên Hợp Quốc đã thông qua Chương trình Nghị sự 2030, với 17 mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có những mục tiêu như: Đảm bảo chất lượng giáo dục và cơ hội học tập; Giảm bất bình đẳng trong nước và giữa các quốc gia.
2. Đối với Việt Nam, đạt được 17 mục tiêu này có ý nghĩa rất quan trọng. Tuy nhiên, cũng có nhiều trở ngại, thách thức lớn cần vượt qua trên con đường tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững. Trong đó, nhóm vấn đề liên quan đến lĩnh vực dân số, y tế, an toàn thực phẩm, môi trường, và đặc biệt là giáo dục luôn là mối quan tâm hàng đầu của không chỉ những người làm chính sách, mà còn của số đông người dân. Những vấn đề xoay quanh cuộc sống thường nhật, và cả những vất vả, lo toan cho thế hệ tương lai.
3. Trong một bài viết trước về bất bình đẳng, tác giả đã nhấn mạnh nhiều nghiên cứu của các chuyên gia trên thế giới khẳng định mối liên hệ giữa (1) bất bình đẳng cơ hội (ví dụ như tiếp cận giáo dục); và (2) bất bình đẳng về kết quả/thu nhập (chênh lệch thu nhập, khoảng cách giàu nghèo gia tăng); cũng như những khó khăn trong việc tìm đúng nguyên nhân gây ra những bất bình đẳng này để có giải pháp chính sách phù hợp.
4. Một kết luận đáng chú ý là giảm bất bình đẳng cơ hội, như trong giáo dục, sẽ dẫn tới giảm bất bình đẳng kết quả, đặc biệt là bất bình đẳng thu nhập. Và việc chỉ ra mối quan hệ hai chiều giữa (bất bình đẳng) cơ hội nói chung, giáo dục nói riêng, với thu nhập cá nhân là cơ sở đề xuất giải pháp chính sách giảm bất bình đẳng nói chung, bất bình đẳng trong giáo dục nói riêng.
5. Khi nói đến vấn đề bất bình đẳng và chính sách giảm bất bình đẳng trong giáo dục, sẽ có rất nhiều góc nhìn khác nhau, và do đó, dẫn tới quan điểm khác nhau, những luồng dư luận xã hội trái chiều và có thể tranh luận không hồi kết.
Nhìn chung thì thu nhập cao hơn có nhiều cơ hội tiếp cận giáo dục (điều kiện cơ sở vật chất, giáo viên, phương pháp…) tốt hơn. Trong khi đó, nhiều người cho rằng ai thông minh hơn, giỏi giang hơn, và chăm chỉ (cần cù) hơn thì thường có thu nhập cao hơn. Thu nhập cao hơn, thì lại có cơ hội tiếp cận giáo dục tốt hơn…
6. Dưới góc nhìn chính sách, cần thấy được (mức độ) nhiều yếu tố ảnh hưởng đến thu nhập, và do đó, dẫn đến bất bình đẳng trong thu nhập:
(i) Những yếu tố về di truyền, tài năng bẩm sinh/thiên phú (mà nhiều người kỳ vọng sau này đứng vào nhóm “tinh hoa” trong xã hội), và nỗ lực cá nhân (sự chăm chỉ…) là hoàn toàn khác nhau và phụ thuộc riêng ở mỗi người (kiểu như hiện tượng “bất bình đẳng tự nhiên”). Giả sử những người có tài năng và/hoặc có nỗ lực cá nhân cao thì khi có điều kiện đầu tư từ nhỏ và có quá trình liên tục (tức là cơ hội tiếp cận giáo dục chất lượng cao) sẽ có thể phát huy tốt năng lực, trình độ sau này. (Lưu ý thêm là đã thuộc về “tố chất”, mà lại biết phát huy, thì dù nhỏ không học trường chuyên, lớn lên vẫn có thể rất giỏi; dù nhỏ mà nhà nghèo, lớn lên có thể thu nhập cao).
Lựa chọn, phát hiện đúng những tài năng trong mọi lĩnh vực để đầu tư giáo dục/đào tạo ngay từ nhỏ là một việc làm bình thường trên thực tế, từ việc giải toán đến đấm bốc. Vấn đề ở đây, là (quy mô) nguồn lực đầu tư đến từ đâu (công hay tư) và nên ưu tiên vào đâu? Đã có nghiên cứu thống kê, báo cáo đánh giá kết quả/hiệu quả đầu tư chưa? Những nghiên cứu kiểu này cần có thời gian rất dài (nhiều năm) và quy mô rộng, so sánh giữa các trường công với nhau, giữa khu vực công với khu vực tư… Có thể lượng hóa kết quả đạt được không? Tác động tiêu cực khi gián tiếp tạo thêm bất bình đẳng về cơ hội tiếp cận giáo dục chất lượng cao đến phần còn lại của xã hội? Tính công bằng trong tiếp cận và nguy cơ tham nhũng, tiêu cực khi phân bổ nguồn lực công? Nếu không, sẽ chỉ là những nhận định cảm tính, chủ quan tùy vào góc nhìn của từng người.
(ii) Bên cạnh đó, nhiều yếu tố khác liên quan đến nền tảng/môi trường gia đình như nơi sinh, sắc tộc, mức độ giáo dục mà bố mẹ đạt được, và nghề nghiệp của cha mẹ… cũng tác động đến thu nhập của cá nhân.
7. Nhiều nghiên cứu chỉ ra là cá nhân có nền tảng gia đình tốt hơn thường có mức thu nhập cao hơn. Mức độ giáo dục mà bố mẹ đã đạt được, nôm na là “trình độ” của thế hệ trước (bố mẹ) có ảnh hưởng đến thu nhập của chính họ, và cũng sẽ tác động tỷ lệ thuận đến thu nhập của thế hệ sau (con cái), vì bố mẹ thường dành ngân sách giáo dục nhiều hơn cho con cái, và lại có điều kiện hơn để quan tâm, chăm sóc, giúp con phát triển kỹ năng sống, hướng nghiệp, hòa nhập xã hội tốt hơn…
Hiện tượng mà bố mẹ chạy đua cho con đi học thêm thầy cô giỏi, tìm trường tốt, trường chuyên lớp chọn, sẵn sàng trả học phí cao để du học, “du học tại chỗ”… diễn ra đồng thời với việc kêu gọi giảm nhẹ chương trình học, quan tâm đến các nhu cầu vui chơi giải trí lành mạnh, phát triển kỹ năng sống, hướng học sinh tìm hiểu thêm về thiên nhiên, quan tâm đến các vấn đề môi trường, từ thiện,… phản ánh tầng lớp trung lưu ngày càng tăng lên trong xã hội ta hiện nay, và một thế hệ các cha mẹ thời kỳ đầu kỷ nguyên số đang “loay hoay” trước áp lực chăm lo cho thế hệ tương lai của mình.
8. Nếu tài năng thiên bẩm và nỗ lực cá nhân là những yếu tố mà chính sách khó tác động thay đổi hơn đối với số đông trong xã hội, thì nền tảng gia đình và những yếu tố liên quan là điều mà chính sách công nên hướng đến, để giúp tăng cơ hội tiếp cận giáo dục đối với những nhóm có thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo…, từ đó giúp giảm bất bình đẳng thu nhập.
Cùng với đó, để tác động hiệu quả thì cần nhiều giải pháp đồng bộ, không chỉ là vấn đề giáo dục công lập hay tư thục, mà còn liên quan đến thể chế kinh tế, sự minh bạch, hiệu quả phòng chống tham nhũng, lãng phí,… liên quan đến chính sách lao động tiền lương, bảo hiểm, y tế… hướng đến nhiệm vụ củng cố các nền tảng gia đình phát triển bền vững.
9. Một vấn đề chính sách giáo dục cần giải quyết, là hạn chế bất bình đẳng “xuyên thế hệ” của nhóm người đang có nguy cơ bị “bỏ lại phía sau”. Khi vấn đề “cơm có thịt” còn là gánh nặng lo toan thì chưa thể quan tâm/đòi hỏi “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.
Ngân sách công cần định hướng ưu tiên cho việc tạo ra nhiều cơ hội học tập, dễ tiếp cận cho số đông, với chất lượng giáo dục tốt nhất có thể, góp phần hạn chế bất bình đẳng cơ hội, từ đó giảm bất bình đẳng thu nhập, hướng tới đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Nguyễn Anh Phương 2020, Vấn đề chính sách: Bất bình đẳng trong giáo dục, https://chinhsach.vn/chinh-sach-giao-duc-giam-bat-binh-dang-ve-co-hoi-hoc-tap
[…] chính sách ở mỗi quốc gia. Một yếu tố rất quan trọng, ví dụ như đối với chính sách giáo dục, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển, là mức độ giáo dục […]