“…qua cách tiếp cận nghiên cứu thực trạng và khuyến nghị giải pháp cho quá trình chuyển đổi, cải cách thể chế ở Trung Quốc trong giai đoạn mới, có tham khảo các nghiên cứu đa chiều từ các học giả phương Tây và Trung Quốc, bài viết này đồng thời có thể gián tiếp cung cấp những kinh nghiệm có ích cho Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”
3. Khuyến nghị đẩy mạnh cải cách thể chế ở Trung Quốc
Những vấn đề tồn tại hiện nay ở Trung Quốc đặt ra yêu cầu đẩy mạnh quá trình cải cách thể chế, cho một giai đoạn mới tập trung vào chất lượng tăng trưởng. Trong đó, xây dựng thể chế kinh tế gắn với cải cách thể chế chính trị có tính chất quyết định. Dưới đây khuyến nghị một số nhóm giải pháp cụ thể:
Điều chỉnh cơ cấu kinh tế, khuyến khích cạnh tranh bình đẳng
Mất cân bằng cấu trúc kinh tế là vấn đề nghiêm trọng, cần có chính sách điều chỉnh. Cần xây dựng thể chế kinh tế khuyến khích mô hình phát triển mới, chú trọng thay đổi cơ cấu kinh tế vùng miền; tỷ trọng kinh tế công nghiệp, dịch vụ so sánh với nông nghiệp và tiêu dùng để giải quyết tình trạng đầu tư thiên lệch vào công nghiệp nặng giai đoạn qua. Để rút ngắn khoảng cách công nghệ với các nước phát triển, Trung Quốc cần ưu tiên đầu tư nghiên cứu và phát triển các lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ sạch bảo vệ môi trường, đòi hỏi hàm lượng tri thức cao. Cùng với đó, thể chế kinh tế cần mở rộng, khuyến khích cạnh tranh trong các lĩnh vực như viễn thông, năng lượng, ngân hàng. Thể chế kinh tế cải cách theo hướng gỡ bỏ các can thiệp, phân biệt đối xử của nhà nước đối với kinh tế tư nhân, khi mà nhiều doanh nghiệp nhà nước đầu tư kém hiệu quả. Mặc dù còn ý kiến lo ngại cải cách làm giảm vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước, nhưng cạnh tranh bình đẳng chính là một trong những yêu cầu để huy động sức mạnh của cả nền kinh tế trong giai đoạn tập trung nâng cao chất lượng tăng trưởng, xây dựng xã hội “hài hoà, sáng tạo”, tránh được bẫy thu nhập trung bình[1].
Cải cách hệ thống tài chính ngân hàng
Cải cách hệ thống tài chính ngân hàng, phân bổ lại nguồn vốn là yêu cầu cấp thiết, nhằm xoá bỏ tình trạng ngân hàng nhà nước cho vay với lãi suất ưu đãi, làm lợi cho các doanh nghiệp nhà nước, trong khi các công ty tư nhân còn khó tiếp cận nguồn vốn, phải dựa vào các nguồn vốn phi chính thức, bất lợi. Các biện pháp cụ thể là: từng bước gỡ bỏ các rào cản tài chính, phát triển các thể chế tài chính tư, quy mô nhỏ, các ngân hàng địa phương nhằm tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho khu vực tư, các hộ nông dân. Giải pháp này sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế tư nhân, động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế Trung Quốc. Về lâu dài, giải pháp này cũng giảm rủi ro nợ xấu cho hệ thống tài chính ngân hàng.
Cải cách chính sách đất đai
Đất đai ở Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước (đất đô thị), hoặc sở hữu tập thể đối với khu vực ngoại ô, nông thôn. Cơ chế phân quyền đã tăng thẩm quyền quản lý đất đai cho chính quyền địa phương. Tuy nhiên, có nhiều bất ổn xã hội, tranh chấp, biểu tình do liên quan đến bồi thường đất đai, cơ chế đền bù giá đất giữa người dân, doanh nghiệp đầu tư và chính quyền không đạt được sự thống nhất[2]. Bên cạnh đó, quá trình cổ phần hoá và mua bán quyền sử dụng đất còn nhiều tiêu cực[3]. Trong khi đó, người nông dân chưa được phép tự do chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Vì thế, nhà nước nên sớm có cải cách chính sách, tạo điều kiện cho người dân có thể tận dụng khả năng tạo vốn từ đất đai, tạo ra động lực kinh tế tích cực, vì tiềm năng tăng trưởng ở khu vực này còn rất lớn.
Xây dựng, củng cố hệ thống phúc lợi xã hội
Bất bình đẳng tăng cao, và hệ quả vấn đề xã hội già hóa là những lý do dẫn đến yêu cầu phải phát triển hệ thống phúc lợi xã hội. Cần cải cách hệ thống hưu trí, giảm gánh nặng lương hưu từ các doanh nghiệp nhà nước. Thuế thu nhập và thuế tài sản phù hợp là cần thiết để thực hiện chính sách phân phối lại, hạn chế những bất bình đẳng có thể dẫn đến bất ổn xã hội[4]. Đầu tư cho y tế, giáo dục chính là giải pháp ưu tiên, tạo nguồn vốn nhân lực đáp ứng yêu cầu tăng trưởng dài hạn. Cùng với đó, chế độ hộ khẩu ở Trung Quốc đang là một nút thắt cần tháo gỡ[5] để giúp người lao động từ nông thôn dễ dàng nhập cư vào thành phố, được hưởng đầy đủ các chế độ phúc lợi y tế, giáo dục, yên tâm làm việc, mở rộng cả đầu tư và tiêu dùng. Đây cũng là giải pháp chính sách liên quan đến thị trường lao động phục vụ công nghiệp hóa và đô thị hóa; đồng thời tăng sức mua của thị trường nội địa.
Tôn trọng nhà nước pháp quyền, xây dựng nhà nước mạnh và nhà nước hỗ trợ
Đây là nhóm giải pháp rất quan trọng, nhìn từ phân tích lý thuyết thể chế. Nhà nước nên giảm sự can thiệp sâu vào hoạt động thị trường, xã hội; tiếp tục hỗ trợ khu vực tư nhân phát triển; khuyến khích sự sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Để bảo vệ các quyền kinh doanh, quyền sở hữu, cần tôn trọng nhà nước pháp quyền, tư pháp độc lập. Bởi vì nhà nước pháp quyền tạo cơ sở pháp lý cần thiết cho sự sáng tạo (bảo vệ quyền phát minh, sáng chế), khuyến khích đầu tư, có lợi cho sự phát triển dài hạn. Hệ thống cơ quan hành chính, đặc biệt là cấp chính quyền địa phương, cần đẩy mạnh cải cách theo hướng minh bạch, nâng cao nhiệm giải trình, khuyến khích trao quyền và tham gia của người dân giám sát nhà nước để ngăn ngừa tham nhũng hiệu quả. Bên cạnh đó, vai trò nhà nước mạnh nên thể hiện ở việc cung cấp tốt nhất các dịch vụ công, hàng hóa công, phân bổ nguồn lực hiệu quả cho phát triển. Những yếu tố của thể chế này rất cần thiết được cải cách, hoàn thiện trong giai đoạn mới của quá trình chuyển đổi kinh tế ở Trung Quốc.
4. Kết luận
Để nhà nước can thiệp giải quyết các thất bại thị trường hiệu quả, cần những điều kiện thể chế tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển, như tôn trọng pháp quyền, đề cao minh bạch và trách nhiệm giải trình. Khi thể chế chậm đổi mới, lạc hậu, hoặc tạo điều kiện để các yếu tố thể chế khai thác (loại trừ) phát triển, thì sự can thiệp ít hiệu quả, mâu thuẫn xã hội dễ phát sinh, bất công bằng, tham nhũng gia tăng trong quá trình chuyển đổi kinh tế.
Nếu cải cách từng bước (tự do hóa, cổ phần hóa, dân chủ hóa) là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế Trung Quốc trong quá khứ, thì hiện tại, cần tiếp tục cải cách toàn diện và đẩy nhanh quá trình xây dựng thể chế. Đây là nhu cầu nảy sinh từ thực tiễn, sau một thời gian dài phát triển kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Trung Quốc. Sự thay đổi của các điều kiện kinh tế xã hội, đến lượt nó, sẽ ảnh hưởng đến thể chế và yêu cầu chuyển đổi. Vì thế, trước những thay đổi căn bản trong xã hội Trung Quốc hiện đại, dưới tác động trở lại của tăng trưởng kinh tế, Đảng Cộng sản Trung Quốc nên chủ động khởi xướng, lãnh đạo với những bước đi mới trong cải cách thể chế, vào một giai đoạn đòi hỏi sự phát triển cao về chất lượng tăng trưởng, hướng tới xã hội “hiện đại, hài hoà và sáng tạo”[6].
Nguyễn Anh Phương
Chú thích:
[1] World Bank 2014, China 2030: Building a modern, harmonious, and creative society, The World Bank & the Development Research Center of the State Council.
[2] Landesa 2012, Insecure land rights: the single greatest challenge facing China’s sustainable development and continued stability, Rural Development Institute.
[3] Garnaut, R, Song, L & Yao, Y 2006, ‘Impact and significance of state-owned enterprise restructuring in China’, The China Journal, no. 55, pp. 35-44.
[4] Stiglitz, J 2012, The price of inequality: How today’s divided society endangers our future, Norton & Company, New York.
[5] Song, L, Wu, J & Zhang, Y 2010, ‘Urbanization of migrant workers and expansion of domestic demand’, Social Sciences in China, vol. 31, no. 3, pp. 194 – 216.
[6] Xem chú thích 45 – World Bank 2014.
[…] (Còn nữa) Xem tiếp Phần 3 […]