Tham mưu chính sách, tư vấn chính sách trong hoạch định chính sách
Lý luận về khoa học chính sách thì xuất hiện muộn, nhưng hoạt động “tham mưu”, “tư vấn” chính sách thì đã có từ rất lâu. Ở nước ta hiện nay đã có khá nhiều Tổ tư vấn, Hội đồng tư vấn chính sách ở nhiều cấp độ.
Tham mưu (và cũng có thể định nghĩa cụ thể hơn, là tham mưu chính sách) là việc tổng hợp thông tin, phân tích dữ liệu, dự báo và đề xuất các giải pháp (giải pháp chính sách) phù hợp đối với các vấn đề phát sinh trong thực tiễn, nhằm phục vụ hiệu quả công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành.
Trong bộ máy hành chính nhà nước nói chung thì các vụ, đơn vị có chức năng tham mưu rất nhiều. Công chức, viên chức đều có những công việc thể hiện chức năng “tham mưu” đối với lãnh đạo, quản lý ở nhiều cấp độ, từ “chiến thuật” đến “chiến lược”, địa phương hay trung ương v.v. Và ngay cả đối với “cán bộ” dân cử và những công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý – những người thường được tham mưu để ra quyết định trong phạm vi thẩm quyền, cũng có nhiều lúc làm công tác “tham mưu chính sách”. Chất lượng, hiệu quả, sự thành bại của chính sách công được quyết định bởi nhiều yếu tố trong suốt quá trình hình thành và thực thi; Trong đó, có vai trò quan trọng của đội ngũ tham mưu chính sách, tư vấn chính sách.
Thế nhưng khi nói về tham mưu, thì thực tế nhiều người lại chỉ nghĩ ngay đến bộ phận văn phòng, công tác hành chính, phục vụ… trong một cơ quan/đơn vị. Những người làm công tác tham mưu cụ thể trong đơn vị có thể được bố trí chức danh “trợ lý”, “thư ký”… hành chính và nhiều khi làm những công việc “vụn vặt”, chưa thực sự xứng tầm với “tham mưu” – “mưu sĩ”. Hoặc trong một số trường hợp, sẽ là lãng phí chất xám nếu sử dụng trợ lý, thư ký yếu kém nghiệp vụ, trong khi những người được đào tạo chuyên môn sâu lại không được bố trí công việc phù hợp, tương xứng để phát huy năng lực, trình độ và trách nhiệm tham mưu các giải pháp chính sách dựa trên bằng chứng khoa học…
Bên cạnh đó, tham mưu chính sách, tư vấn chính sách hay những người phân tích chính sách còn có thể đến từ các “cơ quan tham mưu” là tổ chức nghiên cứu chính sách chuyên nghiệp thuộc công lập hoặc tư nhân, với nhiều nguồn tài chính hoạt động khác nhau, trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Đây là nhóm có vị thế ngày càng quan trọng, và có xu hướng ngày càng phát triển, mở rộng loại hình hoạt động. Lý do là các tổ chức chuyên nghiệp này thường kết hợp được những điểm mạnh và làm cầu nối giữa những người chuyên làm công tác nghiên cứu khoa học với những người tham mưu chính sách và hoạch định chính sách đang làm việc trong hệ thống công quyền. Những tổ chức có uy tín thực sự góp phần kết nối giữa lý thuyết với thực tiễn, lý luận với thực hành, liên kết từ ý tưởng tới hành động.
Và với những nhà hoạch định chính sách trong kỷ nguyên thông tin hiện nay, thì nỗi lo quá tải thông tin cũng lớn như nỗi lo thiếu hụt thông tin. Để tránh tính trạng không thể đánh giá được hết về chất lượng các nguồn thông tin, bị “ngập lụt” trong biển tin tức, để có được các báo cáo phân tích dựa trên căn cứ khoa học và thực tiễn… thì ở cả cấp độ tổ chức và cá nhân, muốn hoạch định chính sách thành công cũng cần lắng nghe sự tư vấn và phản biện từ những “mưu sĩ” là các cá nhân, tổ chức tư vấn chính sách chuyên nghiệp.
[…] Mặc dù có thể có, hoặc không trực tiếp phân tích chính sách, nhưng trước khi ra quyết định thông qua chính sách, người HĐCS/ra quyết định chính sách nên tham khảo các sản phẩm/ lời khuyên phân tích chính sách từ những chuyên gia phân tích chính sách, những người làm “nghề” phân tích chính sách, tư vấn chính sách chuyên nghiệp. […]