Bất bình đẳng có thể chia thành: (1) bất bình đẳng cơ hội (ví dụ như tiếp cận giáo dục); và (2) bất bình đẳng kết quả (ví dụ như mức thu nhập) (UNDP 2013). Để giảm bất bình đẳng, cần chỉ ra những nguyên nhân. Tuy nhiên, giới nghiên cứu cho tới nay vẫn chưa thống nhất được những nguyên nhân chính (Mankiw 2013). Một trong những câu hỏi là, làm thế nào để đo lường và xác định những yếu tố quyết định mức độ bất bình đẳng cơ hội? Mối quan hệ giữa bất bình đẳng cơ hội và bất bình đẳng về kết quả?
Tổng hợp một số nghiên cứu cho thấy, giảm bất bình đẳng cơ hội, như trong giáo dục, sẽ dẫn tới giảm bất bình đẳng kết quả, đặc biệt là bất bình đẳng thu nhập (Dolton et al. 2009, (Bourguignon et al. 2007). Việc chỉ ra mối quan hệ giữa cơ hội giáo dục và thu nhập cá nhân là một trong những cơ sở quan trọng cho việc ra chính sách giảm bất bình đẳng.
Cụ thể hơn, một số học giả đưa ra những giả thiết liên quan đến nền tảng gia đình có tác động tích cực đến thu nhập. Cá nhân có nền tảng gia đình tốt hơn thường có mức thu nhập cao hơn. Nếu nền tảng gia đình có ảnh hưởng tích cực tới thu nhập, thì chính sách (và do đó, các nhà hoạch định chính sách) nên tác động vào nó để giúp giảm bất bình đẳng. Ví dụ, chính sách sẽ tập trung vào việc giảm nghèo để giúp tăng cơ hội tiếp cận giáo dục, từ đó góp phần giảm bất bình đẳng thu nhập.
Giải thích ở đây là, trong mối liên hệ giữa bất bình đẳng cơ hội và mức thu nhập, biến số độc lập là bất bình đẳng cơ hội, biến phụ thuộc là thu nhập cá nhân (ví dụ như thu nhập từ lao động). Trong đó, biến độc lập có thể đo lường qua yếu tố nền tảng gia đình (hoặc môi trường gia đình). Yếu tố này lại có thể gồm một số biến số chính, như nơi sinh, sắc tộc, mức độ giáo dục và nghề nghiệp của cha mẹ. Lý do để chọn những biến số này là nó không bị lệ thuộc vào từng cá nhân. Trong khi biến số kiểm soát như nỗ lực cá nhân, tài năng bẩm sinh, yếu tố di truyền… có thể ảnh hưởng đến thu nhập, nhưng khác nhau ở mỗi cá nhân.
Như thế, nguyên tắc phân tích là, các yếu tố tác động đến cơ hội của mỗi người là do nền tảng gia đình và nỗ lực cá nhân. Cá nhân có thu nhập cao hơn có thể do những cố gắng của bản thân, hoặc do nền tảng gia đình (Bourguignon et al. 2007). Nếu giả định nỗ lực cá nhân là như nhau (hay được kiểm soát), thì để đạt được sự công bằng về cơ hội, mỗi cá nhân phải không có sự khác nhau về nền tảng gia đình. Ứng dụng khuyến nghị/hàm ý chính sách ở đây là, nên giảm mức độ chênh lệch về nền tảng gia đình.
Mặc dù ít có sự khác nhau về phương pháp tiếp cận, kết quả nghiên cứu ở những nước khác nhau lại có kết quả khác nhau. Một số chỉ ra yếu tố sắc tộc là quan trọng nhất, tác động đến bất bình đẳng cơ hội (Bertocchi & Dimico 2014); số khác cho rằng mức độ giáo dục bố mẹ đạt được có tính chất quyết định đến thu nhập của thế hệ tương lai (Christopher 2003).
Cùng với đó, một số nghiên cứu khẳng định yếu tố thu nhập của cha mẹ cũng tác động quan trọng đến đầu tư cho ngân sách giáo dục của mỗi gia đình. Đây là một trong những yếu tố mà có thể dẫn tới vòng luẩn quẩn bất bình đẳng cơ hội – bẫy bất bình đẳng. Các gia đình chạy đua về ngân sách giáo dục, dẫn đến những trẻ em nghèo càng ít cơ hội tiếp cận với dịch vụ giáo dục chất lượng cao. Thêm nữa, một số nghiên cứu mới đây cũng quan tâm đến những yếu tố như thời gian bố mẹ dành cho con cái, địa vị xã hội của cha mẹ. Ví dụ, những gia đình có thu nhập cao thì bố mẹ lại có nhiều thời gian dành cho con cái hơn (Putnam 2015). Những yếu tố này cũng có ảnh hưởng tỷ lệ thuận với mức thu nhập đạt được.
Tổng hợp các cách tiếp cận trên giúp lý giải vì sao, và như thế nào nền tảng gia đình (và một số biến số khác) tác động đến bất bình đẳng cơ hội, và đến lượt nó, bất bình đẳng cơ hội tác động đến bất bình đẳng thu nhập. Tất nhiên, những giả thuyết và phương pháp tiếp cận nghiên cứu này cũng có một số điểm yếu, như bỏ qua những yếu tố quan trọng như tiếp cận thể chế, hay các vấn đề thuộc chính sách lao động tiền lương, hay bất bình đẳng giới (Acemoglu & Robinson 2014, Jacobs 1996).
- Xem: 17 Mục tiêu Phát triển bền vững
- Xem: Bình đẳng giới: phụ nữ, giới, và phát triển
- Xem: Chính sách giáo dục giảm BBĐ về cơ hội học tập
Như vậy, bất bình đẳng là một vấn đề chính sách mà các chính phủ ngày càng quan tâm. Giảm bất bình đẳng cơ hội có thể dẫn đến giảm bất bình đẳng thu nhập. Do đó, việc chỉ ra những yếu tố chính tác động tới BBĐ cơ hội, sẽ đóng góp tích cực trong việc cung cấp bằng chứng cho những người làm chính sách ở mỗi quốc gia. Một yếu tố rất quan trọng, ví dụ như đối với chính sách giáo dục, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển, là mức độ giáo dục đạt được ở thế hệ trước (tri thức của cha mẹ) có ảnh hưởng đến thu nhập của thế hệ tương lai.
Nguyễn Anh Phương
Gợi ý trích nguồn:
Nguyễn Anh Phương 2015, Giảm bất bình đẳng cơ hội để giảm bất bình đẳng thu nhập, https://chinhsach.vn/giam-bat-binh-dang-co-hoi-bat-binh-dang-thu-nhap/, truy cập ngày …/…/…
Tài liệu tham khảo
Acemoglu, D & Robinson, J 2014, The rise and decline of general laws of capitalism.
Bertocchi, G, Dimico, A 2014, ‘Slavery, education, and inequality’, European Economic Review.
Bourguignon, F, Ferreira, F & Marta Menendez, M 2007, ‘Inequality of opportunity in Brazil’, Review of Income and Wealth.
Christopher, D 2003, ‘Intergenerational earnings mobility in Brazil and its determinants’.
Dolton, P, Asplund, R, Barth, E 2009, Education and inequality across Europe,Cheltenham, UK.
Green, A, Mason, G & Unwin, L 2011, ‘Education and inequality: introduction’, National Institute Economic Review.
Hamnett, C & Butler, T 2013, ‘Distance, education and inequality’.
Jacobs, J 1996, ‘Gender inequality and higher education’.
Kuznets, S 1955, ‘Economic Growth and Income Inequality’, American economic Review.
Piketty, T 2014, Capital in the Twenty-first century, Harvard University Press.
Roemer, JE 1998, Equality of Opportunity, Harvard University Press.
Theil, H 1967, Economics and information theory.
UNDP 2013, Humanity Divided: Confronting Inequality in Developing Countries.
[…] Trong một bài viết trước về bất bình đẳng, tác giả đã nhấn mạnh nhiều nghiên cứu của các chuyên gia trên thế giới […]