Tiêu chí đánh giá năng lực hoạch định chính sách của đại biểu Quốc hội
1. Tiêu chí đánh giá năng lực hoạch định chính sách nói chung là một trong những nội dung khó, hoặc chưa được quan tâm nhiều, và cũng khó có sự thống nhất trong nghiên cứu chính sách. Vì thế, để xây dựng được bộ tiêu chí đánh giá năng lực hoạch định chính sách của đại biểu Quốc hội ở nước ta cũng là vấn đề không đơn giản.
2. Bài viết dưới đây chỉ mang tính gợi mở bước đầu. Đối với những bạn sinh viên đang quan tâm đi sâu vào vấn đề năng lực chính sách (năng lực hoạch định chính sách) nói chung, và của đại biểu Quốc hội ở Việt Nam nói riêng, thì có thể tham khảo để phát triển thêm.
3. Trước hết, có thể điểm qua/liệt kê ra những “tiêu chí” (tạm thời sẽ có những nội dung chưa thống nhất liệu có phải là một tiêu chí đúng nghĩa hay không) để đánh giá năng lực hoạch định chính sách của đại biểu Quốc hội ở nước ta như sau:
– Am hiểu thủ tục hoạt động của Quốc hội;
– Có website riêng hoặc trang/tài khoản cá nhân trên mạng xã hội để tương tác trực tiếp với cử tri;
– Có nhiều chất vấn, tranh luận và phản biện chính sách;
– Chức vụ, vị trí công tác của ĐBQH;
– Đề xuất nhiều giải pháp chính sách;
– Hiệu quả;
– Hiệu suất;
– Học hàm, học vị, bằng cấp của ĐBQH;
– Khả năng thuyết phục;
– Kỹ năng thuyết trình;
– Là đại biểu chuyên trách;
– Làm việc nhóm;
– Lắng nghe, thấu hiểu;
– Mức độ tín nhiệm;
– Quyết đoán, không né tránh vấn đề có thể gây xung đột lợi ích;
– Rõ ràng, minh bạch;
– Tác phong giản dị, “gần dân”;
– Thường xuyên phát biểu trên các phương tiện truyền thông về các vấn đề chính sách;
– Trách nhiệm giải trình;
– Trung thực;
– Uy tín cá nhân.
4. Trong đó, cũng có thể tạm thời phân loại thành các nhóm tiêu chí khác nhau như sau:
4.1. Nhóm các tiêu chí chung, như: Hiệu quả, Hiệu suất, Minh bạch, Trách nhiệm giải trình. Những tiêu chí này đã được đề cập, nghiên cứu nhiều trong cả khoa học chính sách, khoa học pháp lý, và ít có tranh luận về sự cần thiết hay không cần thiết.
4.2. Nhóm tiêu chí về tác phong, tính cách như: Trung thực; Quyết đoán, không né tránh vấn đề có thể gây xung đột lợi ích; Tác phong giản dị, “gần dân”.
Theo kinh nghiệm làm việc, nghiên cứu của tác giả thì một bộ phận cử tri có yêu cầu người đại diện cần thể hiện được sự trung thực, tính đúng đắn trong việc phản ánh tâm tư nguyện vọng của Nhân dân; sự mạnh mẽ, quyết đoán trong các hoạt động như chất vấn, phản biện chính sách, thể hiện trong các phiên họp tổ hay toàn thể tại hội trường, họp đại biểu chuyên trách… Bên cạnh đó, tác phong giản dị, “gần dân” của một số đại biểu Quốc hội thể hiện trong các cuộc tiếp xúc cử tri, tham gia đoàn giám sát, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo… cũng được một bộ phận cử tri ưa thích/dễ có cảm tình hơn.
4.3. Nhóm tiêu chí về kỹ năng, như: Kỹ năng thuyết trình; Khả năng thuyết phục; Lắng nghe, thấu hiểu; Làm việc nhóm.
Các tiêu chí trong nhóm này đôi khi lại ít được quan tâm lựa chọn, mặc dù trên thực tế đều khá quan trọng để đánh giá năng lực của đại biểu Quốc hội. Các kỹ năng trên là cần thiết để hỗ trợ làm tốt vai trò đại biểu dân cử, hiểu được tâm tư, nguyện vọng của cử tri.
4.4. Nhóm tiêu chí về uy tín/độ tin cậy hay bằng cấp, vị trí công tác của đại biểu Quốc hội như: Mức độ tín nhiệm; Uy tín cá nhân; Chức vụ, vị trí công tác; Học hàm, học vị, bằng cấp của ĐBQH; Là đại biểu chuyên trách.
Để tránh sự cảm tính khi lựa chọn các tiêu chí này thì yếu tố minh bạch thông tin cần được quan tâm. Là đại biểu Quốc hội chuyên trách cũng là một ưu tiên trong khi Quốc hội chúng ta đang tiến tới hoạt động chuyên nghiệp, nhưng đồng thời cũng cần thận trong tham khảo các yếu tố liên quan để có thông tin đầy đủ hơn khi so sánh với các đại biểu Quốc hội khác, để có cái nhìn khách quan, phù hợp với những điều kiện đặc thù trong hoạt động lập pháp ở nước ta hiện nay.
4.5. Nhóm các tiêu chí liên quan đến các hành động/căn cứ thực tế trong hoạt động dân cử, như: Đề xuất nhiều giải pháp chính sách; Có nhiều chất vấn, tranh luận và phản biện chính sách; Thường xuyên phát biểu trên các phương tiện truyền thông về các vấn đề chính sách; Am hiểu thủ tục hoạt động của Quốc hội; Có website riêng hoặc trang cá nhân trên mạng xã hội để tương tác trực tiếp với cử tri…
Những tiêu chí này có thể cần thêm những thống kê cụ thể, khách quan làm căn cứ cho việc đánh giá năng lực hoạch định chính sách của đại biểu Quốc hội. Hơn nữa, để việc nhận định của cá nhân giảm bớt sự cảm tính, chủ quan khi đánh giá về năng lực hay trình độ của cá nhân khác cũng là việc khó. Tuy nhiên, nếu so sánh, thì việc một đại biểu Quốc hội thường xuyên tham gia tranh luận, phát biểu, phản biện chính sách thì cũng dễ có cơ sở để đánh giá hơn. Trong thời đại công nghệ số ngày nay, việc đại biểu Quốc hội có website, tài khoản cá nhân định danh công khai, minh bạch trên các mạng xã hội để tương tác trực tiếp, nhanh chóng với cử tri, cũng có thể được xem là ưu điểm và nên khuyến khích, ủng hộ./.
Nguyễn Anh Phương
Gợi ý trích dẫn:
Nguyễn Anh Phương 2023, Tiêu chí đánh giá năng lực hoạch định chính sách của đại biểu Quốc hội, chinhsach.vn, https://chinhsach.vn/tieu-chi-danh-gia-nang-luc-hoach-dinh-chinh-sach-cua-dai-bieu-quoc-hoi.
Leave a Reply