Đánh giá năng lực hoạch định chính sách của đại biểu Quốc hội
Trong quá trình thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học “Nâng cao năng lực hoạch định chính sách của đại biểu Quốc hội trong hoạt động lập pháp: Thực trạng và giải pháp”, có một câu hỏi được đặt ra, là làm thế nào để đánh giá năng lực hoạch định chính sách của đại biểu Quốc hội?
Một số (10) căn cứ đưa ra dưới đây, được xếp theo trình tự từ cao nhất đến thấp nhất, trong tổng số phương án được lựa chọn trả lời:
1. Căn cứ vào các đề xuất chính sách, các dự án luật, pháp lệnh mà đại biểu Quốc hội đã kiến nghị, đề nghị trong nhiệm kỳ
Đây là căn cứ/tiêu chí được lựa chọn nhiều nhất. Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng các đại biểu Quốc hội (1) có đề xuất chính sách cụ thể, được đưa vào các dự án luật pháp lệnh, và (2) số các dự án luật, pháp lệnh được đại biểu Quốc hội trực tiếp đề xuất, thời gian qua chưa có nhiều. Kết quả này cũng cho thấy, nhiều cử tri sẽ đánh giá hiệu quả hoạt động dân cử cần dựa trên số liệu cụ thể về các đóng góp xây dựng chính sách, pháp luật trong các hoạt động của đại biểu Quốc hội.
2. Căn cứ vào phát biểu của đại biểu Quốc hội tại các kỳ họp Quốc hội, cũng như trên các phương tiện thông tin truyền thông, các dịp tiếp xúc cử tri
Đây cũng là căn cứ cụ thể, dựa vào những phát biểu của đại biểu Quốc hội, nhất là những phiên truyền hình trực tiếp, phiên chất vấn hay thảo luận các vấn đề kinh tế xã hội, dễ thu hút được sự chú ý của công luận; cũng như các dịp tiếp xúc cử tri, hoặc phát biểu gián tiếp trong các bài báo, phỏng vấn trên các phương tiện thông tin truyền thông… Qua các ý kiến của đại biểu Quốc hội, người dân sẽ hiểu rõ hơn về hoạt động của các đại biểu dân cử, các quan điểm chính sách của đại biểu được thể hiện, và từ đó làm cơ sở đánh giá chất lượng, hiệu quả, năng lực hoạt động của đại biểu Quốc hội.
3. Căn cứ vào kỹ năng thuyết trình, tranh luận, chất vấn, thái độ, tinh thần trách nhiệm, khả năng đáp ứng nguyện vọng của cử tri
Đây cũng là những yếu tố giúp đánh giá năng lực hoạch định chính sách, thuộc về năng lực, khả năng “nội tại” của mỗi đại biểu Quốc hội. Thông qua các hoạt động chất vấn, tranh luận, phản biện chính sách và cách thức thể hiện chính kiến, khả năng đáp ứng được nguyện vọng của cử tri… sẽ giúp đánh giá tốt hơn.
4. Căn cứ vào ý kiến của đại biểu Quốc hội góp ý cho các dự thảo luật, pháp lệnh
Đây là căn cứ cụ thể, gắn với các ý kiến góp ý trực tiếp cho dự thảo luật, pháp lệnh, bổ sung cho phương án (1), (2). Trên thực tế, để thống kê chi tiết được tất cả các ý kiến góp ý của các ĐBQH cho các dự thảo luật, pháp lệnh là rất khó và cần có sự theo dõi chi tiết thông qua các góp ý bằng lời phát biểu, hoặc văn bản gửi đến ban soạn thảo, cũng như thông qua các tham luận hội thảo, hoạt động thẩm tra, các bài báo nghiên cứu khoa học (nếu có)…
5. Căn cứ vào số lần tham gia, nội dung chất vấn của đại biểu Quốc hội
Phạm vi căn cứ cũng được thu hẹp lại, thống kê riêng đối với các phiên chất vấn. Nội dung chất vấn của đại biểu Quốc hội cũng giúp đánh giá được năng lực chính sách của đại biểu Quốc hội, thông qua các câu hỏi đúng, trúng vấn đề được dư luận xã hội quan tâm, hay kỹ năng đặt câu hỏi và trình bày câu hỏi trong khoảng thời gian giới hạn trên nghị trường. Rất khó để “chứng minh” tính hiệu quả và năng lực hoạt động dân cử nếu trong suốt cả nhiệm kỳ Quốc hội mà đại biểu không tham gia chất vấn, không thể hiện, phản ánh được nguyện vọng của cử tri.
6. Căn cứ vào chương trình hành động, lời hứa khi ứng cử đại biểu Quốc hội
Đây là căn cứ để cử tri kiểm tra người đại diện của mình có “nói đi đôi với làm”, cơ sở quan trọng để cử tri đánh giá chất lượng hoạt động chung của những người được mình lựa chọn. Chương trình hành động, lời hứa khi ứng cử của đại biểu Quốc hội là rất quan trọng, các ứng viên đại biểu Quốc hội cần chuẩn bị thật tốt, và quan trọng không kém, là năng lực thực hiện “lời hứa” khi đã trúng cử.
7. Tham khảo các thông tin về đại biểu Quốc hội như trình độ học vấn, học hàm, học vị, chuyên môn, chức vụ, là đại biểu Quốc hội chuyên trách hay kiêm nhiệm
Các thông tin ban đầu này giúp đánh giá khái quát về năng lực của đại biểu Quốc hội, vì học vấn, chuyên môn cũng là những yếu tố cấu thành năng lực hoạch định chính sách của đại biểu Quốc hội.
8. Căn cứ vào các quyết định “bấm nút” đồng ý, hay không đồng ý thông qua dự luật
Trên thực tế thì người dân rất khó biết được các đại biểu Quốc hội có đồng ý hay không đồng ý thông qua dự thảo luật, pháp lệnh vì việc “bấm nút” của từng đại biểu chưa được chính thức/bắt buộc công khai (đây là vấn đề còn nhiều tranh luận thời gian qua). Chính vì thế, người dân chỉ có thể biết nếu chính đại biểu Quốc hội lên tiếng khẳng định, ví dụ trên các phương tiện thông tin, truyền thông đại chúng…
Như vậy, có thể thấy một bộ phận cử tri có nhu cầu được biết rõ về các quyết định quan trọng, giúp đánh giá năng lực, hiệu quả hoạt động của các đại biểu Quốc hội.
9. Căn cứ vào phản ứng của các đối tượng chịu tác động trực tiếp trong đề xuất chính sách của đại biểu Quốc hội
Đây là một trong những căn cứ liên quan trực tiếp đến các đối tượng bị tác động của các chính sách trong các đề xuất chính sách nói chung của đại biểu Quốc hội. Nó là cơ sở để tham khảo đánh giá năng lực hoạch định chính sách của đại biểu Quốc hội, nếu đề xuất chính sách được dư luận ủng hộ, và các đối tượng bị tác động cũng thấy hợp lý thì sẽ có nhiều phản ứng tích cực hơn là tiêu cực, hoặc ngược lại.
Tuy nhiên, đây là căn cứ gián tiếp, nhằm thông qua phản ứng của đối tượng bị tác động bởi chính sách để đánh giá năng lực người đề xuất chính sách. Trên thực tế, còn quá ít các đại biểu Quốc hội tự mình đề xuất chính sách, chưa nói đến đề xuất chính sách có được đưa vào chương trình nghị sự hay không.
10. Chỉ cần có thiện cảm, thấy thuyết phục trong lời nói, hành động, phong cách hoạt động của một đại biểu dân cử là có thể đánh giá
Căn cứ trả lời này có chút “cảm tính”, và trên thực tế ít người lựa chọn hơn. Điều đó cho thấy việc đánh giá năng lực chính sách cần có sự cân nhắc, suy xét kỹ hơn, thay vì chỉ dựa vào những ấn tượng ban đầu hay vẻ bề ngoài. Mặc dù vậy, trên thực tế có những đại biểu Quốc hội có phong cách hoạt động hiệu quả, được cử tri hoan nghênh.
Nguyễn Anh Phương
Bài viết này được trích theo: Báo cáo Tổng hợp Đề tài cấp bộ: “Nâng cao năng lực hoạch định chính sách của đại biểu Quốc hội trong hoạt động lập pháp: Thực trạng và giải pháp” do Nguyễn Anh Phương làm Chủ nhiệm đề tài.
[…] dung chưa thống nhất liệu có phải là một tiêu chí đúng nghĩa hay không) để đánh giá năng lực hoạch định chính sách của đại biểu Quốc hội ở nước ta như […]