Chính sách phòng chống tác hại rượu bia:
Chính sách tăng thuế và giá đối với rượu bia
Nhằm khái quát hóa những nghiên cứu khoa học về mối quan hệ giữa thuế và giá với việc tiêu thụ rượu bia, Patra và cộng sự (2012) đã tổng hợp, phân tích 25 công trình nghiên cứu ở nước Mỹ, và 29 công trình nghiên cứu tại các quốc gia khác, bao gồm Úc, Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Đức, Thụy Điển, Thụy sĩ và Vương quốc Anh. Trong số đó, có 15 nghiên cứu về tác động của thuế hoặc giá đối với những rủi ro cao từ uống rượu bia; 28 nghiên cứu phân tích tác động nguy hại của lạm dụng rượu bia; và 11 nghiên cứu phân tích cả mô hình tiêu thụ rượu cũng như tác hại của nó. Đa số nghiên cứu trên tập trung vào tác động của việc tăng thuế, hơn là giảm thuế; nghiên cứu về mối liên hệ giữa kiểu cấu trúc (như theo độ tuổi, giới tính và nhóm người uống rượu) với một trong những tác hại từ việc lạm dụng rượu bia. Kết quả nghiên cứu khái quát của Patra và cộng sự cho thấy: Tăng thuế TTĐB thường dẫn tới giảm lượng tiêu thụ rượu bia, và giảm các loại tác hại khác nhau do sử dụng rượu bia, như lái xe trong tình trạng say rượu, tội phạm bị bắt giữ, bệnh xơ gan, và tử vong.
Đánh giá ảnh hưởng của việc tăng thuế rượu bia trong năm 1983 và năm 2002 đối với tỷ lệ tử vong liên quan đến rượu bia ở Alaska, theo Wagenaar và cộng sự (2009), sau khi tăng thuế thì kết quả là số lượng và tỷ lệ tử vong vì rượu đều đã giảm đáng kể. Cook (2007) ước tính ở Mỹ, cứ 10 cent tăng thêm trong mức thuế TTĐB trên mỗi 01 ounce rượu nguyên chất, thì lượng tiêu thụ rượu bia bình quân giảm 12%, tai nạn có nguyên nhân từ rượu bia giảm 7%, tử vong do xơ gan giảm 32%. Nghiên cứu của Hollingworth và cộng sự (2006) về giới trẻ ở Mỹ cho thấy, nếu tăng thuế tương ứng 01 đô la cho mỗi kiện 6 lon bia, thì tỷ lệ người sử dụng, trong nhóm 20-30 tuổi tham gia vào các “cuộc rượu” giảm khoảng 13-14% đối với nữ giới, và khoảng 24-27% đối với nam giới. Như vậy, việc tăng thuế có thể làm giảm số người tử vong do lạm dụng rượu bia, và giảm cả gánh nặng tử vong tiềm tàng. Những nghiên cứu trên đã củng cố cho khuyến nghị tăng thuế TTĐB là giải pháp chiến lược, hiệu quả nhằm giảm gánh nặng bệnh tật, tử vong liên quan đến rượu bia.
Một số nghiên cứu khác cũng khẳng định sự thành công của việc tăng thuế nhằm hạn chế tiêu thụ quá nhiều rượu bia, tăng nguồn thu và giảm gánh nặng ngân sách nhà nước. Ở Úc, ước tính việc áp dụng thuế về thể tích làm tăng nguồn thu là 492 triệu đô la Úc, giảm 2,8% lượng rượu nguyên chất tiêu thụ hàng năm, giảm được 21.000 đơn vị gánh nặng bệnh tật, với chi phí khoảng 110 triệu đô la Úc mỗi năm (Byrnes và cộng sự 2010). Còn ở Canada, nếu tăng 25% thuế sẽ tiết kiệm được khoảng từ 175,2 triệu đến 211,3 triệu đô la Canada mỗi năm (Rehm và cộng sự 2008, 2011). Trong khi đó, sau 40 năm, mặc dù giá rượu bia trung bình ở Đức đã giảm khoảng 30%, nhưng nếu như mức thuế TTĐB tăng lên ngang mức trung bình của châu Âu thì ước tính, mức tiêu thụ rượu bia bình quân sẽ giảm được khoảng 01 lít cồn nguyên chất, và số “cuộc rượu” say sưa sẽ giảm khoảng 37% (Adams & Effertz 2010). Những con số này cho thấy tác động tích cực, triển vọng lạc quan trong thực hành chính sách thuế ở nhiều quốc gia khác nhau đối với việc hạn chế lạm dụng rượu bia.
Thêm vào đó, điều cần lưu ý là các mức thuế suất khác nhau đối với các loại đồ uống có cồn sẽ có những ảnh hưởng khác nhau. Ví dụ, tỷ lệ tử vong liên quan đến rượu vodka ở Nga cao, do giá của một chai rượu vodka chỉ tương đương khoảng 3-4 chai bia, và giá rượu vang thì đắt hơn giá vodka rất nhiều. Mức tăng thuế TTĐB ở Nga tác động tới tỷ lệ tăng giá đối với rượu vodka cũng thấp hơn tỷ lệ lạm phát từ năm 1998, mặc dù thu nhập bình quân đầu người tăng rất nhanh. Theo ước tính, để giảm tỷ lệ tử vong một cách hiệu quả thì thuế TTĐB phải làm tăng giá vodka hơn gấp 10 lần giá bia, đi đôi với quản lý chặt chẽ sản phẩm rượu lậu (Khaltourina & Korotayev 2008). So sánh với Ba Lan, cũng là quốc gia từng tiêu thụ vodka rất nhiều trước đó: Từ năm 1996 đến 2001, thuế TTĐB ở Ba Lan đã tăng 2,5 lần, khoảng 15,7 euro/lít rượu nguyên chất (Szymczak 2002). Trong khi đó, giá một chai bia rẻ hơn 12 lần, và đa số người Ba Lan đã chọn uống bia thay cho uống vodka. Tuổi thọ trung bình của người Ba Lan đã tăng từ 66 tuổi, vào năm 1991, lên 70 tuổi vào năm 2000 (World Bank 2006), và được cho là có mối quan hệ với việc giảm tiêu thụ rượu mạnh.
Ngược lại, Nhật Bản là trường hợp đặc biệt với mức thuế áp cho bia là cao nhất trong số các loại đồ uống có cồn (Higuchi và cộng sự 2007). Ở Nhật Bản, tỷ suất thuế trên giá bán lẻ trung bình là 47% đối với bia, 18% cho rượu sake, 35% cho rượu shochu, 23% đối với các dòng whisky và brandy. Đây có thể là một nguyên nhân quan trọng làm tăng số người lựa chọn uống rượu mạnh, trong khi việc lạm dụng rượu mạnh lại được cho là có tương quan với tỷ lệ tự tử cao ở nam giới tại quốc gia này. Cùng với đó, một nghiên cứu của Norström và cộng sự (2012) chỉ ra rằng, trong khoảng thời gian từ năm 1963 đến năm 2007, tỷ lệ tự tử ở nam giới Nhật Bản tăng lên, trong khi tỷ lệ này ở nữ giới giảm nhẹ. Mặt khác, mối tương quan giữa tỷ lệ tự tử với các sản phẩm đồ uống có cồn khác như bia hay rượu vang là không rõ ràng. Như vậy, phân tích tổng hợp các nghiên cứu trên cho thấy, hàm ý chính sách ở đây là Nhật Bản, cũng như các quốc gia khác trong trường hợp tương đồng, nên xem xét điều chỉnh tăng thuế và giá bán của các loại rượu mạnh hơn nữa, nhằm ngăn chặn các tác động tiêu cực, đặc biệt là đối với nam giới, do lạm dụng tiêu thụ rượu mạnh.
Về phương pháp tính thuế, mô hình đã được áp dụng ở Thái Lan có tên gọi là “Hai chọn một” (2C1) được đánh giá hiệu quả, nhất là trong việc tăng thu ngân sách. Hệ thống này bao gồm cả phương pháp thuế tuyệt đối và thuế tương đối, được tính toán đồng thời theo các mức thuế suất quy định đối với từng loại rượu bia, và lựa chọn áp dụng phương pháp tính cho kết quả có mức thu thuế cao hơn. Hệ thống này cũng đã chứng tỏ hiệu quả đối với các loại rượu mạnh được ưa thích bởi những người nghiện rượu, và cả những đồ uống có cồn loại nhẹ dành cho người mới uống, nếu so sánh với từng cách tính thuế riêng lẻ (Shield & Rehm). Vì thế, 2C1 được đánh giá là làm giảm được số người uống rượu nhiều hơn so với chỉ một cách tính thuế tuyệt đối, hoặc tương đối. Thêm vào đó, nó làm tăng giá tương đối cao đối với các sản phẩm vốn hấp dẫn giới trẻ, dẫn đến giảm lượng tiêu dùng những sản phẩm này. Đây được xem là một mô hình mà các nước thu nhập thấp đến trung bình có thể tham khảo, vì vừa tăng được tổng thu thuế nộp vào ngân sách nhà nước, vừa có thể đạt hiệu quả trong kiểm soát tiêu thụ rượu bia. Tuy nhiên, nhược điểm của nó, cũng tương tự như nhiều mô hình hỗn hợp khác, là cách tính toán trở nên phức tạp, có thể dẫn đến thiếu minh bạch trong thực thi, không được đơn giản, dễ dự đoán và công bằng như phương pháp thuế tuyệt đối.
Ngoài ra, theo một nghiên cứu của Holm và cộng sự (2014) thì ở Đan Mạch, vào năm 2010, 6% gánh nặng bệnh tật có nguyên nhân từ sử dụng rượu bia. Thông qua công cụ phân tích chi phí – hiệu quả, Holm và cộng sự đã phân tích các kịch bản thay đổi trong chính sách thuế: tăng 20%, tăng 100%, và giảm 10%. Biến số ảnh hưởng sức khỏe suốt đời được đo lường bằng sự khác nhau trong gánh nặng bệnh tật giữa: tỷ lệ tiêu thụ rượu bia ở mức thuế và giá hiện tại; và thay đổi mức tiêu thụ rượu bia do thay đổi thuế và giá. Kết quả là hai kịch bản: tăng 20%, và tăng 100% thuế có thể ngăn ngừa tương ứng là 20.000 và 95.500 đơn vị gánh nặng bệnh tật (DALY), đồng thời tiết kiệm chi phí lần lượt là: -€119 (triệu) và -€575 (triệu). Ngược lại, đối với kịch bản giảm thuế 10%, gánh nặng bệnh tật thêm vào là 10.100 (DALY), và chi phí tăng thêm là €60 (triệu). Trong cả 3 trường hợp can thiệp như trên, thì ảnh hưởng tới sức khỏe dự kiến đạt mức tối đa trong khoảng 15-20 năm sau khi có sự thay đổi thuế. Điều này góp phần khẳng định chính sách về giá và thuế, đặc biệt là biện pháp tăng thuế TTĐB sẽ giúp tiết kiệm chi phí, giảm tỷ lệ bệnh tật và tử vong, là một trong những giải pháp hiệu quả để giảm mức tiêu thụ rượu bia. Ngược lại, nghiên cứu bằng chứng này cũng chỉ ra, nếu áp dụng kịch bản giảm thuế sẽ làm tăng gánh nặng bệnh tật và làm tăng chi phí chăm sóc sức khỏe.
Chính sách phòng chống tác hại rượu bia:
Chính sách giảm thuế và giá đối với rượu bia
Ở Thụy Sĩ, chính sách giảm 30%-50% thuế cho sản phẩm rượu mạnh nhập khẩu vào năm 1999 đã dẫn đến việc tổng lượng tiêu thụ rượu mạnh tăng thêm 28,6%; trong khi đó, không có thay đổi đáng kể trong việc tiêu thụ rượu vang và bia. Đánh giá tác động của chính sách giảm thuế này, Gmel và cộng sự (2008) cho rằng, trong ngắn hạn, những người từng uống nhiều rượu đã gia tăng lượng tiêu thụ rượu mạnh, và mức tăng nhiều hơn so với những người uống ít rượu từ trước đó. Trong khi đó, về dài hạn, sự can thiệp chính sách này lại chủ yếu tác động đến những người mà trước đó chỉ uống ít và vừa; hệ quả của chính sách là nhóm này đã gia tăng mức tiêu thụ và làm tăng tổng lượng tiêu thụ rượu mạnh. Trường hợp này cũng tương tự đối với Thụy Điển, theo Andreasson và cộng sự (2006) ước tính, việc giảm 40% thuế đối với rượu mạnh và 15% đối với rượu vang ở Thụy Điển dẫn đến kết quả làm tăng tổng lượng tiêu thụ rượu, con số ước tính bình quân đầu người tăng khoảng 0,35lít rượu/người. Hệ quả là, quốc gia này đã ghi nhận sự tăng thêm khoảng 289 trường hợp tử vong, 1,627 trường hợp tấn công bạo lực, và 1,6 triệu trường hợp đau ốm phải nghỉ việc do uống rượu. Như vậy, giảm thuế dẫn đến giảm giá đối với rượu mạnh không chỉ làm tăng tổng lượng tiêu thụ, mà còn dẫn tới kết quả là số người vốn dĩ trước đó chỉ uống vừa và ít cũng đã gia tăng tiêu thụ rượu mạnh, đồng thời làm tăng tác động tiêu cực lên cộng đồng và xã hội trong dài hạn.
Trong khi đó, Nigeria, một trong 30 nước có mức độ tiêu thụ rượu bia trên đầu người cao nhất trên thế giới, lại là một ví dụ tiêu cực của chính sách “không chính sách” trong phòng chống tác hại rượu bia. Cho đến thời điểm năm 2010, quốc gia này vẫn chưa có chính sách rõ ràng về kiểm soát rượu bia (Dumbili 2014). Một trong những lý do là ảnh hưởng của tệ nạn tham nhũng, nhất là có sự tham gia của các nhà sản xuất rượu bia đã góp phần ngăn cản việc ban hành những chính sách thuế và giá nhằm kiểm soát tiêu thụ bia rượu. Như vậy, việc kéo dài tình trạng không có chính sách rõ ràng; hoặc ban hành các chính sách làm giảm thuế, giảm giá bán; hay ngăn cản việc tăng thuế và tăng giá đều có thể gây ra những tác động tiêu cực do tăng nguy cơ lạm dụng rượu bia.
Cũng liên quan đến tham nhũng, một nghiên cứu ở Mỹ cho thấy mức độ tham nhũng có ảnh hưởng đến thuế bia (Fredriksson và cộng sự. 2009). Trong mối quan hệ này, tham nhũng có xu hướng thúc đẩy hình thành chính sách làm giảm thuế bia; Đến lượt nó, việc giảm thuế bia lại là điều kiện làm tăng mức độ tử vong do tai nạn giao thông liên quan đến bia rượu, dựa trên số liệu phân tích tổng hợp từ năm 1982 đến 2001. Trên thực tế, trong khi nhà nước có thể tác động để làm giảm lượng tiêu dùng rượu bia thông qua chính sách tăng thuế, thì ngược lại, các nhà sản xuất rượu bia có thể thông qua việc hối lộ các quan chức nhà nước có thẩm quyền, hoặc có ảnh hưởng đến quá trình ra quyết định chính sách, để vận động cho việc ban hành chính sách giảm thuế rượu bia. Các nhà sản xuất thường dễ thành công hơn trong các vận động chính trị, khi mà nhà nước có tỷ lệ tham nhũng cao, các nguyên tắc của nhà nước pháp quyền không được tuân thủ thực hiện. Điều này càng nghiêm trọng nếu chính sách giảm thuế và giá của các sản phẩm rượu bia được hoạch định dựa trên các bằng chứng ngụy tạo, thiếu khách quan.
Trường hợp của Phần Lan là một ví dụ điển hình khác, minh chứng cho những tác động tiêu cực, hay tích cực từ các chính sách ngược chiều liên quan đến thuế và giá rượu bia. Vào tháng 3 năm 2004, Phần Lan đã cắt giảm 1/3 thuế đối với đồ uống có cồn trong một nỗ lực để làm giảm mức độ mua bán qua biên giới, được thực hiện bởi người Phần Lan ở các nước EU khác, đặc biệt là nước láng giềng Estonia, nơi mà giá của đồ uống có cồn là rẻ hơn nhiều. Cùng với việc gỡ bỏ hạn ngạch rượu cho khách du lịch, lượng tiêu thụ rượu ở Phần Lan đã tăng 10% trong năm 2004, gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực liên quan đến rượu, như lái xe trong tình trạng say rượu, bị bắt giữ liên quan đến rượu, tăng tử vong và bệnh xơ gan. Nhóm chịu tác động nghiêm trọng bởi chính sách giảm thuế này bao gồm nhiều người trong độ tuổi thanh niên; độc thân; thất nghiệp; và nghỉ hưu sớm. Lượng tiêu thụ đồ uống có cồn gia tăng 10%, tỷ lệ tử vong do xơ gan đã tăng 30% chỉ trong một năm (Herttua 2008).
Nhằm khắc phục những tác hại là hệ quả của chính sách giảm thuế đối với đồ uống có cồn, các nhà hoạch định chính sách ở Phần Lan sau đó đã đảo ngược các biện pháp. Năm 2008, thuế đối với sản phẩm rượu mạnh đã tăng thêm 15%, và tăng thêm 10% đối với các đồ uống có cồn khác. Năm 2009, tổng lượng tiêu thụ đồ uống có cồn giảm được 2%, số ca nhập viện do rượu bia giảm được 5%, và giảm số trường hợp tử vong do rượu bia. Chính sách tăng thuế tiếp tục được đẩy mạnh trong năm 2009, có thêm hai lần tăng mức thuế TTĐB trên tất cả các loại đồ uống có cồn, lần đầu tiên vào ngày 01/01/2009, và sau đó là vào ngày 01/10/2009 (National Institute for Health & Welfare 2010).
Đây là bài học thực tế rất hữu ích khi so sánh giữa chi phí và lợi ích, cũng như hệ quả tác động tới xã hội giữa hai chính sách trái ngược nhau, được áp dụng trên cùng một quốc gia. Kết quả này tương đồng với tác động của hai kịch bản tăng, hoặc giảm thuế trong nghiên cứu ở Đan Mạch đã nêu ở phần 4.1.
Như vậy, từ các nghiên cứu trên đây, có thể suy luận khẳng định về nhiều hệ quả tiêu cực của chính sách giảm thuế và giảm giá đối với rượu bia, so sánh với những tác động tích cực hơn đến từ chính sách tăng thuế và giá đối với rượu bia.
Nguyễn Anh Phương
Nguyễn Anh Phương 2017, Chính sách phòng, chống tác hại rượu bia: Kinh nghiệm quốc tế về chính sách thuế và giá, https://chinhsach.vn/chinh-sach-phong-chong-tac-hai-ruou-bia-kinh-nghiem-quoc-te-ve-chinh-sach-thue-va-gia/
Leave a Reply