Trong điều kiện lý tưởng, các quốc gia nên cấm tất cả các hoạt động sản xuất, mua bán, sử dụng thuốc lá, bởi hơn nửa số khách hàng tiêu thụ sản phẩm thuốc lá đã, đang và có thể sẽ tử vong vì sử dụng chúng. Mặc dù biết rõ những tác hại từ việc sử dụng thuốc lá gây ra cho sức khỏe cá nhân và cộng đồng, vấn đề khó giải quyết là có rất nhiều người dân, và cả nguồn ngân sách của nhiều quốc gia, đang phụ thuộc, hoặc hưởng lợi từ ngành công nghiệp thuốc lá. Thêm nữa, một trong những vấn đề khó khăn là giải quyết mối quan hệ giữa quyền tự do cá nhân với ảnh hưởng có hại trong việc sử dụng thuốc lá cho cộng đồng và gánh nặng kinh tế xã hội. Bài viết này nêu sơ lược về tác hại của việc sử dụng thuốc lá tràn lan và khung khổ chiến lược chung về kiểm soát thuốc lá; từ đó, khuyến nghị một số giải pháp chính sách phòng, chống thuốc lá phù hợp với nước ta.
1. Một số tác hại của việc sử dụng thuốc lá tràn lan
Nguy hại cho sức khỏe cá nhân
Khoảng 5,8 nghìn tỷ (5.800.000.000.000) điếu thuốc lá các loại đã được sử dụng trên thế giới trong năm 2014. Hiện nay, 10 nước tiêu thụ thuốc lá lớn nhất lần lượt từ trên xuống là Trung Quốc, Nga, Mỹ, Indonesia, Nhật Bản, Đức, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc và Việt Nam[1].
Sử dụng thuốc lá là nguyên nhân phổ biến hàng đầu dẫn đến nhiều căn bệnh gây tử vong trên thế giới, nhưng có thể can thiệp phòng tránh được. Ví dụ, hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc bệnh thiếu máu cục bộ cơ tim thêm hơn 2,5 lần, bệnh ung thư phổi khoảng hơn 20 lần. Năm 2008, có khoảng 1,4 triệu người chết vì ung thư phổi, 80% trong số đó gây ra bởi thuốc lá. Tính trung bình, mỗi năm hiện có khoảng gần 6 triệu người tử vong vì thuốc lá. Nếu không có những biện pháp can thiệp hiệu quả, vào khoảng năm 2030, con số này có thể tăng lên 8 triệu người/ một năm[2]. Ước tính khoảng 01 tỷ người sẽ tử vong trong thế kỷ 21 do các căn bệnh liên quan đến thuốc lá nếu dựa trên mô hình hiện tại, so với khoảng 100 triệu người chết vì thuốc lá trong thế kỷ 20[3].
Bên cạnh đó, thời gian sử dụng thuốc lá càng lâu thì rủi ro bệnh tật như ung thư phổi, bệnh về tim mạch càng cao, tuổi thọ trung bình càng thấp. Ví dụ ở Mỹ, tuổi thọ trung bình của người đã hút thuốc lá rồi bỏ thuốc ở tuổi 35 thì kéo dài hơn từ 6 đến 9 năm so với những người vẫn tiếp tục hút thuốc. Ngay cả với những người chỉ bỏ thuốc lá ở tuổi 65 vẫn kéo dài tuổi thọ hơn từ 1 đến 3 năm so với người tiếp tục hút thuốc[4]. Thời gian hút thuốc càng dài thì độ rủi ro mắc bệnh ung thư phổi càng cao, nếu thời gian sử dụng thuốc tăng gấp 3 lần, rủi ro tăng 100 lần[5].
Cho đến nay, Trung Quốc vẫn là nước sản xuất và tiêu thụ thuốc lá lớn nhất trên thế giới, với vùng nguyên liệu chiếm khoảng 37,1%, và sản lượng sản xuất chiếm khoảng 40,5%. Có hơn 300 triệu người Trung Quốc sử dụng thuốc lá, chiếm khoảng 1/3 tổng số người sử dụng thuốc lá trên thế giới, và tiêu thụ khoảng 1/3 sản lượng toàn cầu. Mỗi ngày, hơn 3.000 người dân ở quốc gia này tử vong có nguyên nhân từ sử dụng thuốc lá. Con số này sẽ tăng, từ khoảng 0,8 triệu người mỗi năm vào năm 1990, lên đến khoảng 2 triệu người mỗi năm vào năm 2025[6].
Ngay cả quốc gia khá thành công trong chính sách kiểm soát thuốc lá như Australia, thuốc lá vẫn là nguyên nhân chính dẫn đến cái chết của khoảng 15.500 người hàng năm. Khoảng 1/4 nam giới và 1/5 nữ giới ở độ tuổi trưởng thành trên tổng dân số vẫn đang hút thuốc lá, và khoảng một nửa trong số họ được cho là có thể sẽ chết, nếu không dừng việc sử dụng thuốc lá[7].
Ô nhiễm môi trường sống và nguy hại cho cộng đồng
Việc trồng cây thuốc lá là một trong những nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp ảnh hưởng ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, đặc biệt ở các quốc gia đang phát triển, như hiện tượng đất đai cằn cỗi, nguồn nước ô nhiễm, cháy rừng, ảnh hưởng đến các loại sinh vật quanh vùng nguyên liệu v.v.. Hút thuốc lá cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra các vụ hỏa hoạn dẫn đến chết người ở Mỹ[8]. Ngoài ra, rác thải từ hút thuốc lá cũng là vấn đề gây ô nhiễm nặng nề.
Bảo vệ môi trường và sức khỏe của người dân (Điều 18) là một trong những nội dung trọng tâm của Công ước khung về kiểm soát thuốc lá (WHO Framework Convention on Tobacco Control – FCTC). Mặc dù vậy, tỷ lệ các nước tham gia công ước thực hiện đúng cam kết này còn thấp, phân tích số liệu trung bình từ các nước tham gia FCTC thì tỷ lệ thực hiện chỉ đạt dưới 40%[9].
Bên cạnh đó, bảo đảm không hút thuốc lá tại nơi công cộng, nơi làm việc chính là một cách để bảo vệ môi trường sống, môi trường làm việc trong lành. Bởi vì, thuốc lá không chỉ nguy hại cho sức khỏe cá nhân người sử dụng, mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng, những người phải hút thuốc lá một cách thụ động trong một môi trường sống bị ô nhiễm bởi khói thuốc lá. Người hút thuốc lá thụ động (secondhand smoke – SHS, hoặc passive smoking, hoặc environmental tobacco smoke) cũng chịu tác hại nghiêm trọng về sức khỏe, ví dụ như tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch lên hơn 25%, bệnh ung thư phổi lên hơn 30%. Mỗi năm, trên thế giới vẫn có khoảng 600 nghìn người tử vong là do SHS. Riêng ở Trung Quốc, ước tính có khoảng hơn 540 triệu người bị đe dọa bởi hút thuốc lá thụ động[10].
Ở Việt Nam, tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới trong độ tuổi trưởng thành đã giảm từ 56,1% năm 2001, xuống 47,4% năm 2010. Tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở thanh thiếu niên từ 13 đến 15 tuổi giảm từ 3,3% năm 2007, xuống 2,5% năm 2014. Có 87% người trưởng thành nhận thức rằng SHS cũng dẫn đến các bệnh giống như người hút thuốc chủ động[11]. Tuy nhiên, điều không đáng tự hào là nước ta nằm trong nhóm 10 nước tiêu thụ thuốc lá lớn nhất hiện nay, và con số người bị ảnh hưởng bởi SHS có thể rất cao, nhưng chưa có nhiều số liệu nghiên cứu cụ thể, tin cậy và cập nhật, đặc biệt là về hệ quả tác động đối với phụ nữ và trẻ em[12]. Trong khi đó, theo nhiều nghiên cứu quốc tế thì SHS còn có hại cho trẻ em bởi những tác động gián tiếp đến gan, suy giảm hệ miễn dịch, gây ung thư, ngoài các bệnh liên quan đến phổi[13].
Thiệt hại kinh tế và gánh nặng y tế công
Mặc dù không có thống kê đầy đủ các thiệt hại, chi phí kinh tế liên quan đến việc sử dụng thuốc lá trên toàn cầu, nhưng con số ước tính lên tới khoảng 12,7 nghìn tỷ đô la Mỹ trong khoảng 20 năm tới. Ví dụ, trước khi tăng thuế tiêu thụ thuốc lá năm 2012, Chính phủ Philippines dự tính các thiệt hại liên quan đến thuốc lá ít nhất là khoảng 177 tỷ pê-sô (Php – khoảng 4 tỷ đô la Mỹ) hàng năm, trong khi nguồn thu từ ngành công nghiệp thuốc lá chỉ là 32,9 tỷ Php (khoảng 747,3 triệu đô la Mỹ)[14]. Phân tích chi phí – lợi ích cho thấy, ở Việt Nam, đóng góp từ ngành công nghiệp thuốc lá cho ngân sách nhà nước vào khoảng 0,75% GDP, thấp hơn rất nhiều so với các chi phí phải bỏ ra để điều trị các bệnh liên quan đến thuốc lá, cũng như chi phí dành mua thuốc lá mỗi năm (khoảng 22 nghìn tỷ đồng), với tổng số tiền là hơn 45,14 nghìn tỷ đồng (khoảng 1,8% GDP)[15]. Chỉ tính riêng gánh nặng y tế, tỷ lệ này ở Trung Quốc ước tính khoảng 0,7% GDP. Trong khi đó, ở các nước phát triển, khoảng 15% trong tổng ngân sách y tế dành cho các vấn đề liên quan đến thuốc lá. Ở Mỹ, tỷ lệ này dao động từ 6% đến 18% tùy bang. Ở Anh, tổng chi phí trực tiếp ước tính trong khoảng 2,7 đến 5,2 tỷ bảng Anh, tương đương 5% tổng ngân sách chi cho y tế hàng năm. Nếu tính cả chi phí trực tiếp và gián tiếp, riêng ở Mỹ, tổng chi hàng năm cho dịch vụ y tế liên quan đến thuốc lá, cộng với thiệt hại ước tính từ suy giảm năng suất lao động do thuốc lá gây ra trung bình vào khoảng 289 tỷ đô la Mỹ mỗi năm, từ năm 2009 đến năm 2012[16]. Con số này được dự báo ngày càng tăng lên vì số ca mắc bệnh do thuốc lá và chi phí y tế ngày càng tăng.
Rõ ràng, việc thu thuế từ sản xuất, sử dụng thuốc lá rất khó bù đắp cho các chi phí để khắc phục hậu quả của nó. Sử dụng thuốc lá còn là nguyên nhân làm suy giảm chất lượng nguồn nhân lực. Đáng chú ý là, gánh nặng về y tế, chi phí xã hội đang có xu hướng dịch chuyển nhanh chóng sang các nước kém phát triển hơn trong khoảng 2 thập kỷ tới. Khoảng 70% tử vong liên quan đến thuốc lá là ở các nước đang phát triển. Khoảng 80% những người hút thuốc trên thế giới sống ở những nước thu nhập trung bình, thiếu những kiểm soát chặt chẽ về hút thuốc lá[17]. Đây là những thách thức không nhỏ cho mục tiêu phát triển bền vững của các quốc gia này.
Gánh nặng xã hội
Thuốc lá không chỉ có hại cho sức khỏe, nó còn liên quan đến các vấn đề phát triển bền vững, chính sách an sinh xã hội của các quốc gia. Đây là vấn đề không chỉ các quốc gia đang phát triển, mà cả các quốc gia phát triển cũng phải đối mặt, bởi những gánh nặng xã hội, đặc biệt đối với nhóm người yếu thế và trẻ em. Nhìn chung, hành vi sử dụng thuốc lá có liên quan đến tình trạng kinh tế và địa vị xã hội. Các nhóm dân số yếu thế trong xã hội như người nghèo thường hút thuốc lá nhiều hơn, khó từ bỏ thuốc lá hơn, và thường góp phần làm lan tràn việc sử dụng thuốc lá (smoking prevalence).
Tỷ lệ sử dụng thuốc lá liên quan đến địa vị xã hội thấp thể hiện qua các tiêu chí như mức độ thu nhập, mức độ giáo dục và việc làm. Theo số liệu nghiên cứu tại Trung Quốc, sau khi đã điều chỉnh về đặc điểm địa lý, lịch sử hút thuốc và tình trạng sức khỏe, thì những người đã từng hút thuốc có tình trạng nghề nghiệp lao động chân tay, giản đơn, địa vị xã hội thấp, thì có thời gian hút thuốc lâu hơn so với những người có việc làm trong khu vực hành chính, hay các chuyên gia, hoặc người có địa vị xã hội cao. Những người có thu nhập thấp nhất và người không đi học thì tỷ lệ thời gian hút thuốc kéo dài cao hơn, lần lượt là 11% và 14% so với người có thu nhập cao nhất hoặc có trình độ giáo dục đại học trở lên[18]. Sự chệnh lệch này cho thấy mức độ lo ngại ngày càng gia tăng về sự bất bình đẳng trong chăm sóc sức khỏe y tế. Vì thế, cần có chính sách tập trung can thiệp vào nhóm người này.
Các nước phát triển, như nước Pháp, cũng tồn tại vấn đề bất bình đẳng xã hội liên quan đến hút thuốc lá. Kết luận rút ra từ một nghiên cứu[19] với các biến số: trình độ học vấn, giới tính và thế hệ (lứa tuổi), thu thập từ năm 2010 (mẫu khảo sát gồm 27.653 người), chia làm 3 nhóm tuổi (1941-1955, 1956-1970 và 1971-1985) cho thấy: nhóm có học vấn cao thì tỷ lệ hút thuốc giảm dần, nhóm có học vấn thấp thì tỷ lệ này tăng. Tỷ lệ nữ giới hút thuốc lá cũng có xu hướng tăng lên qua từng thế hệ. Bất bình đẳng xã hội cao trong sử dụng thuốc lá thể hiện rõ ràng với độ tuổi thấp hơn, ở cả 3 nhóm tuổi và trong cả nam và nữ giới. Đối với nhóm tuổi già hơn thì bất bình đẳng có giảm dần, trong khi đó, đối với nhóm tuổi thấp hơn thì bất bình đẳng vẫn duy trì ở mức cao và thậm chí có xu hướng gia tăng sau tuổi 25 đối với nữ. Dựa trên nghiên cứu này, ngụ ý chính sách hiệu quả hơn là cần can thiệp vào từng nhóm xã hội, với các độ tuổi khác nhau, và tập trung vào các nhóm bắt đầu hút thuốc mà có trình độ học vấn thấp hơn.
Trong khi đó, khoảng 1,1 triệu trẻ em nghèo ở nước Anh đang sống trong gia đình có ít nhất bố hoặc mẹ hút thuốc lá, và dự báo sẽ có thêm khoảng 400.000 trẻ em nữa có thể rơi vào cảnh nghèo vì gánh nặng tài chính đối với các gia đình có thu nhập thấp, khi mà bố mẹ nghiện thuốc lá có xu hướng cắt giảm, hoặc đánh đổi các nhu cầu chi tiêu cần thiết cho gia đình để mua thuốc lá (fund their addiction). Năm 1999, Chính phủ Anh đã thông báo mục tiêu không còn trẻ em nghèo vào năm 2020. Mặc dù vậy, mục tiêu này có thể sẽ không đạt được, mà một trong những nguyên nhân chính là do những người nghiện thuốc lá[20]. Điều đáng lo ngại hơn là những trẻ em này có nguy cơ cao về SHS và khả năng hút thuốc lá sớm, từ đó tiếp tục gia tăng áp lực lên các chính sách an sinh xã hội.
Tương tự, các nghiên cứu ở Mỹ, Ấn Độ cũng cho thấy hút thuốc lá là một thói quen tốn kém, xa xỉ, góp phần làm bần cùng hàng triệu người. Những người này chấp nhận tiêu ít tiền cho các dịch vụ cơ bản thiết yếu, cắt giảm chi phí ăn uống, giáo dục, giải trí để dành tiền sử dụng thuốc lá. Ngược lại, nếu đạt được tỷ lệ học vấn cao hơn thì có thể làm giảm tỷ lệ hút thuốc trong tổng dân số[21]. Những trẻ em được đến trường, và những học sinh có thành tích học tập tốt hơn, thì thường có tỷ lệ hút thuốc lá ít hơn. Đối với những người đi làm thì công chức văn phòng, lao động trình độ cao có tỷ lệ sử dụng thuốc lá thấp hơn số với người làm công việc đòi hỏi trình độ chuyên môn thấp, không cần kỹ năng cao, người làm lao động chân tay[22].
Những nghiên cứu ở Anh và Australia cũng chỉ ra rằng, sự khác biệt ở các nhóm trong xã hội cũng ảnh hưởng đến tỷ lệ cá nhân hút thuốc lá và cai nghiện thuốc lá thành công. Trong nhóm người có địa vị và học thức cao thì số người bắt đầu hút thuốc, hoặc tái sử dụng thuốc lá là thấp hơn so với những nhóm người yếu thế. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc ngày càng gia tăng chệnh lệch tỷ lệ sử dụng thuốc lá giữa hai nhóm, hơn là nguyên nhân đến từ sự thành công trong từ bỏ thuốc lá ở mỗi nhóm[23]. Mặc dù biết rằng thuốc lá là nguyên nhân gây ra nhiều vấn đề bệnh tật, những cá nhân với địa vị xã hội thấp, trình độ học vấn thấp thường dễ dàng hơn trong việc chấp nhận sử dụng hoặc quay lại sử dụng thuốc lá.
Bên cạnh đó, chính sách kiểm soát thiếu mạnh mẽ, không nhất quán đối với ngành công nghiệp thuốc lá cũng góp phần tạo thêm những gánh nặng kinh tế, xã hội về lâu dài. Ví dụ, Trung Quốc đang phải đối mặt với tình huống lưỡng nan: là quốc gia có ngành công nghiệp thuốc lá lớn nhất trên thế giới; và có nhiều người hút thuốc lá, cũng như tử vong vì thuốc lá cao nhất trên thế giới. Ngành công nghiệp thuốc lá có tác động trái ngược, một mặt ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người dân, mặt khác, ảnh hưởng đa chiều đến “sức khỏe của nền kinh tế”. Bởi vì, ngành công nghiệp thuốc lá Trung Quốc mang lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách, có ảnh hưởng mạnh đến các vấn đề tăng trưởng kinh tế, sử dụng nguồn nhân lực, cấu trúc kinh tế nông nghiệp, tiêu chuẩn sống và sự ổn định xã hội[24]. Mâu thuẫn lợi ích giữa hoạch định chính sách y tế, an sinh xã hội và phát triển kinh tế là một tình huống lưỡng nan cho Chính phủ Trung Quốc.
Như vậy, trong khi ngành công nghiệp thuốc lá muốn thúc đẩy việc bán các sản phẩm thì thị trường các nước đang phát triển là mục tiêu khai thác quan trọng. Trong đó, nhóm người yếu thế lại là nhóm khách hàng lớn nhất. Những sản phẩm này sẽ đem đến rất nhiều vấn đề khó khăn cho họ. Hơn nữa, thuốc lá không chỉ gây nghiện, bệnh tật và cái chết, nó còn mang đến những tổn thương lan rộng cho xã hội, cho cộng đồng, thắt chặt vòng luẩn quẩn đói nghèo. Đây chính là vấn đề gánh nặng cho ngành y tế công cộng, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước, thách thức các chính sách an sinh xã hội, chính sách giảm nghèo, làm suy yếu nguồn lực quốc gia dành cho tăng trưởng và phát triển.
Nguyễn Anh Phương
(Xem Phần 2)
Toàn bộ nội dung bài viết: “Nâng cao hiệu quả chính sách phòng, chống tác hại thuốc lá” đã đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 24 (304), 12/2015.
Phiên bản này có thể khác một chút so với phiên bản đã biên tập và đăng tải trên Tạp chí.
Website Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp: lapphap.vn
Trích dẫn nguồn: Nguyễn Anh Phương (2015), “Nâng cao hiệu quả chính sách phòng, chống tác hại thuốc lá”, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 24 (304), tr.34-45.
[1] Michael Eriksen, Judith Mackay, Neil Schluger, Farhad Islami, Jeffrey Drope (2015), The tobacco atlas, American Cancer Society.
[2] World Health Org (2008), MPOWER: A policy package to reverse the tobacco epidemic.
[3] Xem chú thích 1: Michael Eriksen et al. (2015).
[4] Peto R, Darby S, Deo H, Silcocks P, Whitley E (2000), Smoking, smoking cessation, and lung cancer in the UK since 1950: combination of national statistics with two case-control studies, British Medical Journal, no. 321, pp. 323–329.
[5] Alberg AJ, Samet JM (2003), Epidemiology of lung cancer, Chest 123.
[6] Guo H, Sa Z (2015), Socioeconomic differentials in smoking duration among adult male smokers in China: Result from the 2006 China Health and Nutrition Survey, PLoS ONE vol. 10, no. 1.
[7] Scollo, MM & Winstanley, MH (2012), Tobacco in Australia: Facts and issues, 4th edn, Melbourne: Cancer Council Victoria.
[8] Xem chú thích 1: Michael Eriksen et al. (2015).
[9] WHO (2014), 2014 global progress report on implementation of the WHO Framework Convention on Tobacco Control, Library Cataloguing-in-Publication Data.
[10] Kinglun Ngok (2010), The development and limitations of China’s tobacco control policy: A reluctant tobacco control movement.
[11] 10 năm thực hiện Công ước khung về kiểm soát thuốc lá tại Việt Nam, http://www.baomoi.com/10-nam-thuc-hien-Cong-uoc-khung-ve-kiem-soat-thuoc-la-tai-Viet-Nam/c/16873126.epi.
[12] Một số nghiên cứu ở Việt Nam cho rằng, Việt Nam đứng thứ 15 trên thế giới về số lượng người hút thuốc lá, và có khoảng 33 triệu người hút thuốc lá thụ động. Xem thêm: Gia tăng gánh nặng bệnh tật do thuốc lá, link: http://laodongthudo.vn/gia-tang-ganh-nang-benh-tat-do-thuoc-la-19874.html, truy cập ngày 10/12/2015.
[13] Eman Al-Sayed & Khadiga Ibrahim (2014), Second-hand tobacco smoke and children, toxicology and industrial health, vol. 30, no 7, pp. 635–644.
[14] Victor Ekpu & Abraham Brown (2015), The economic impact of smoking and of reducing smoking prevalence: Review of evidence, Tobacco Use Insights, no. 8, pp. 1–35.
[15] Phạm Hoàng Anh & Lê Thị Thu, Gánh nặng bệnh tật và chi phí y tế của các bệnh liên quan đến thuốc lá, HealthBridge Canada tại Việt Nam.
[16] Xem chú thích 1: Michael Eriksen et al. (2015).
[17] Xem chú thích 7: Scollo & Winstanley (2012).
[18] Xem chú thích 6: Guo H, Sa Z (2015).
[19] Bricard, D, Jusot, F, Beck, F, Khlat, M, & Legleye, S (2015), The evolution of social inequalities in smoking over a life cycle: An analysis according to gender and generation, Economie & Statistique.
[20] NewsRx Health (2015), Smoking; parental smoking puts nearly half a million UK children into poverty, NewsRx Health
[21] Marsh A & McKay S (1994), Poor smokers, Policy Studies Institute, London, p. 78.
[22] Tyas S & Pederson L (1999), Psychosocial factors related to adolescent smoking: a critical review of the literature, Tobacco Control, vol. 7, no. 4, pp. 409–420.
[23] Hill DJ, White VM and Scollo MM (1998), Smoking behaviours of Australian adults in 1995: trends and concerns. Medical Journal of Australia, vol. 168, no. 5, pp. 209–13.
[24] Wang (2006), Tobacco control in China: The dilemma between economic development and health improvement, Salud Publica Mex, vol. 48, no. 1, pp.140-147.
[…] (tiếp theo Phần 1) […]