PHÒNG, CHỐNG TÁC HẠI THUỐC LÁ VÀ BẢO ĐẢM QUYỀN TRẺ EM Ở VIỆT NAM
Nguyễn Anh Phương
PGS.TS Vũ Công Giao
Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị An
Tóm tắt: Trong bài viết này, các tác giả trình bày, phân tích mối quan hệ giữa việc phòng, chống tác hại thuốc lá với việc bảo đảm quyền của trẻ em, đồng thời khái quát khung pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam liên quan đến vấn đề này. Trên cơ sở đó, các tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường phòng chống tác hại thuốc lá, qua đó nâng cao hiệu quả bảo đảm quyền của trẻ em và việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam trong những năm tới.
Từ khoá: Quyền trẻ em, thuốc lá, tác hại thuốc lá, phát triển bền vững
Trẻ em, do còn non nớt về thể chất và trí tuệ, có quyền được chăm sóc và bảo vệ đặc biệt, kể cả sự bảo vệ thích hợp về mặt pháp lý ngay từ khi còn nằm trong bụng mẹ cho đến khi trưởng thành[1]. Quyền trẻ em được ghi nhận, bảo vệ trong nhiều văn kiện của luật nhân quyền quốc tế, mà quan trọng nhất là Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em (CRC). Được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua từ năm 1989, đến nay CRC đã trở thành một văn kiện quốc tế về quyền con người được phê chuẩn rộng rãi nhất trong lịch sử, với 196 quốc gia[2].
Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á, và là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn CRC vào năm 1990[3]. Trong suốt thời gian qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật quan trọng trong việc bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, giúp cải thiện cuộc sống của hàng triệu trẻ em trên cả nước. Tuy nhiên, việc bảo đảm quyền trẻ em ở Việt Nam đang bị ảnh hưởng tiêu cực từ việc sản xuất và sử dụng thuốc lá. Đặc biệt, sự gia tăng và xu hướng trẻ hóa sử dụng các sản phẩm “thuốc lá thế hệ mới” ở thanh thiếu niên Việt Nam hiện nay đang là vấn đề đáng lo ngại về quyền trẻ em, đồng thời gây ra nhiều hệ lụy đến sức khỏe, kinh tế của hộ gia đình và cả phạm vi quốc gia[4]. Vì vậy, nhà nước cần có giải pháp quyết liệt, thiết thực và cụ thể để kiểm soát thuốc lá nói chung và tác hại của thuốc lá đối với trẻ em nói riêng ở Việt Nam.
1. Ý nghĩa của việc phòng, chống tác hại của thuốc lá đến việc bảo đảm quyền trẻ em
Thuốc lá là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hoặc một phần nguyên liệu thuốc lá, được chế biến dưới dạng thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác, được sử dụng bằng cách hút, nhai, ngửi, hít, ngậm[5]. Hiện tại, ngoài thuốc lá thông thường còn có những dạng thức khác như là thuốc lá không khói, thuốc lá thế hệ mới (bao gồm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng…)[6]. Dù dưới dạng thức nào, việc sử dụng thuốc lá cũng gây nguy hại cho sức khoẻ của người dùng và những người xung quanh, vì trong khói thuốc có khoảng 7.000 chất hóa học, trong đó có 69 chất gây ung thư[7]. Thuốc lá có chứa nicotin, là một chất hướng thần (kích thích thần kinh, gây nghiện) cho con người[8], đặc biệt là cho trẻ em.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nêu rõ sử dụng thuốc lá đe dọa sức khỏe, sự sống còn và phát triển của trẻ em, và kiểm soát thuốc lá là giải pháp can thiệp để bảo đảm quyền của trẻ[9]. Theo báo cáo của WHO, khói thuốc gây nên những tác động tàn phá tới trẻ trong suốt giai đoạn từ khi thụ thai, thơ ấu và thanh thiếu niên. Phụ nữ mang thai hút thuốc hay tiếp xúc với khói thuốc thụ động có liên quan đến dị tật bẩm sinh, thai chết lưu, sinh non và tử vong ở trẻ sơ sinh. Trẻ em phơi nhiễm với khói thuốc thụ động có thể bị viêm đường hô hấp, hen, viêm tai giữa, đột tử ở trẻ sơ sinh, kém phát triển chức năng phổi và làm tăng nguy cơ mắc nhiều loại bệnh khác. Việc sử dụng thuốc lá sớm ở trẻ em và thanh thiếu niên gây ra nhiều hậu quả: nghiện sớm, khó cai hơn, ảnh hưởng sớm đến sức khỏe, sự phát triển não bộ, khả năng học tập, khả năng lao động[10].
Với 15,4 triệu người hút thuốc (2020), Việt Nam hiện nằm trong số các quốc gia có số người hút thuốc lá cao nhất trên thế giới[11]. Tỷ lệ trẻ em phơi nhiễm với khói thuốc thụ động cũng ở mức cao: Kết quả điều Sức khỏe học sinh trong trường học (2019) cho thấy có tới 66,16% tỷ lệ học sinh (13-17 tuổi) bị phơi nhiễm với khói thuốc thụ động, đặc biệt có tới 15,59% học sinh bị hút thuốc thụ động hàng ngày trong vòng 7 ngày trước khi tham gia khảo sát[12].
Ngoài ra, số người hút thuốc lá ở nhóm có thu nhập thấp và trung bình chiếm tỷ trọng lớn trong xã hội[13], thì chi phí dành cho việc sử dụng thuốc lá thường xuyên sẽ chiếm tỷ lệ tương đối lớn trong ngân sách gia đình. Điều này thực sự có ảnh hưởng giảm đáng kể các khoản chi khác cho trẻ em, đáng lẽ nên được bố mẹ quan tâm hơn, như chi cải thiện dinh dưỡng, giáo dục, du lịch, vui chơi giải trí lành mạnh… để trẻ có cơ hội phát triển toàn diện.
Trong những năm qua, Việt Nam cũng đã có nhiều bước tiến trong hoàn thiện chính sách pháp luật và thực thi để kiểm soát tác hại thuốc lá, cũng như bảo vệ trẻ em khỏi tiếp xúc với khói thuốc. Việt Nam đã gia nhập Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế thế giới từ năm 2004, và nội luật hóa ở Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) năm 2012, có hiệu lực từ 01/05/2013 và các văn bản quy phạm pháp luật khác. Tỷ lệ sử dụng sản phẩm thuốc lá đã giảm ở người trưởng thành và thanh thiếu niên. Cụ thể, trong giai đoạn từ 2010 – 2020, tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới trưởng thành giảm từ 47,4% (2010) xuống 42,3% (2020)[14],[15]. Tỷ lệ hút thuốc thụ động cũng giảm đáng kể tại các địa điểm như: nơi làm việc, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, trên phương tiện giao thông công cộng và khu vực trong nhà[16].
Tuy nhiên, tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới vẫn ở mức cao (42.3% năm 2020) và phơi nhiễm khói thuốc thụ động tại các địa điểm công cộng vẫn còn phổ biến đặc biệt là ở các địa điểm như nhà hàng (78.1%), khách sạn (86.2%)[17]. Tỷ lệ hút thuốc ở thanh thiếu niên (13-17 tuổi) dù giảm nhưng chỉ giảm ở thanh thiếu niên nam (8.78% năm 2013 xuống 4.56% năm 2019), trong khi tăng nhẹ ở thanh thiếu niên nữ (1.1% năm 2013 lên 1.16% năm 2019)[18].
Do những tác động tiêu cực đối với con người, đặc biệt là với trẻ em, phòng chống tác hại thuốc lá là chính sách mang tính toàn cầu của cộng đồng quốc tế[19], và chính sách quốc gia ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam[20]. Tiếp cận từ góc độ nhân quyền, chính sách phòng, chống tác hại thuốc lá của các quốc gia chính là để bảo đảm các quyền của trẻ em. Như đã đề cập, trẻ em là chủ thể của các quyền con người và là đối tượng được bảo vệ đặc biệt trong luật nhân quyền quốc tế và trong pháp luật của các quốc gia. Trong số các quyền của trẻ em được bảo vệ theo CRC, có các quyền hưởng tiêu chuẩn sức khỏe ở mức cao nhất có thể được (khoản 1 Điều 24), quyền được bảo vệ khỏi bị lôi kéo vào việc sử dụng, sản xuất, buôn bán bất hợp pháp các chất ma tuý và kích thích thần kinh (Điều 33). Những quyền này của trẻ em chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi việc sử dụng thuốc lá, và sẽ không thể bảo đảm được nếu không kiểm soát việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc lá.
Xét rộng hơn, chính sách phòng, chống tác hại thuốc lá của các quốc gia là để thực hiện một trong các nguyên tắc cơ bản của CRC, đó là “vì lợi ích tốt nhất của trẻ em”. Nguyên tắc này xuất phát từ nhận thức rằng, bảo vệ, chăm sóc trẻ em là vấn đề có tính chiến lược lâu dài, nhằm phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tương lai của các quốc gia. Chính vì vậy, khoản 1 Điều 3 CRC đã nêu rõ: “Trong mọi hoạt động liên quan tới trẻ em, dù được thực hiện bởi các cơ quan phúc lợi xã hội của nhà nước hay tư nhân, bởi tòa án, các nhà chức trách hành chính hay cơ quan pháp luật, thì lợi ích tốt nhất của trẻ em phải là mối quan tâm hàng đầu”.
Bên cạnh đó, chính sách phòng, chống tác hại thuốc lá cũng là để bảo đảm sự phát triển bền vững của các quốc gia, đặc biệt trong các vấn đề liên quan đến trẻ em. Về vấn đề này, Chương trình Nghị sự 2030 của Liên hợp quốc[21] đã xác định 17 Mục tiêu toàn cầu về Phát triển bền vững, đây là một khung chính sách phát triển bền vững tích hợp, toàn diện, rộng mở và làm cơ sở để các quốc gia tham khảo, điều chỉnh một số tiêu chí cho phù hợp với tình hình thực tế mỗi nước. Trong đó, có những mục tiêu trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến sự phát triển của trẻ em. Đáng chú ý, tại mục tiêu phát triển số 3: Bảo đảm cuộc sống khỏe mạnh và tăng cường phúc lợi cho mọi người ở mọi lứa tuổi, đã đặt ra tiêu chí 3.A là: Tăng cường thực thi Công ước khung của Tổ chức Y tế Thế giới về Kiểm soát thuốc lá tại tất cả các quốc gia một cách phù hợp.
2. Khung pháp lý quốc tế và Việt Nam về phòng, chống tác hại của thuốc lá nhằm bảo đảm quyền trẻ em
Về phương diện quốc tế, như đã nêu ở phần trên, CRC đặt ra những yêu cầu cụ thể với các quốc gia, trong đó có Việt Nam, trong việc ngăn ngừa, loại bỏ những hành động và bối cảnh gây tổn hại đến sức khoẻ của trẻ em mà trong đó bao gồm việc sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ thuốc lá. Mặc dù vậy, Công ước không đề cập cụ thể đến các biện pháp mà các quốc gia cần thực hiện trong vấn đề này. Thay vào đó, Công ước khung của Tổ chức Y tế Thế giới về kiểm soát thuốc lá (FCTC) năm 2003[22] mà Việt Nam đã tham gia[23] có những quy định cụ thể về các biện pháp mà các quốc gia thành viên phải thực hiện để kiểm soát thuốc lá một cách toàn diện. Khái niệm “kiểm soát thuốc lá” theo mục d Điều 1 của FCTC có nghĩa là “…một loạt các chiến lược giảm cung, cầu, và tác hại của thuốc lá nhằm tăng cường sức khoẻ cho nhân dân bằng cách loại trừ hoặc giảm tiêu thụ các sản phẩm thuốc lá hoặc giảm phơi nhiễm với khói thuốc lá”.
Từ nội dung của CRC và FCTC, có thể khẳng định rằng, thuốc lá gây ra nhiều tác hại nguy hiểm cho trẻ em, do đó, các quốc gia cần phải hành động nhằm bảo vệ trẻ em trước sự tấn công của thuốc lá, và mục tiêu bảo đảm lợi ích tốt nhất của trẻ em cần được đặt lên hàng đầu, ưu tiên hơn so với ngành công nghiệp thuốc lá[24]. Chính vì vậy, nhằm góp phần bảo đảm quyền trẻ em không bị vi phạm do thuốc lá, Tổ chức Y tế Thế giới từ lâu đã khuyến nghị Chính phủ các quốc gia cần cung cấp, chia sẻ thông tin về các biện pháp hành pháp, các chế tài đã được thực hiện để ngăn chặn trẻ em sử dụng thuốc lá và các chất gây nghiện khác có ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ em, đồng thời đánh giá tính hiệu quả của các chế tài đó[25].
Cũng từ các quy định của CRC và FCTC, có thể thấy sự gắn kết giữa phòng, chống tác hại thuốc lá với việc bảo đảm quyền của trẻ em, trong đó việc phòng, chống tác hại thuốc lá cần được tiếp cận theo hướng không chỉ là một hoạt động y tế công cộng quan trọng, mà còn là một trong những nội dung, biện pháp để bảo vệ quyền trẻ em. Trẻ em có quyền được bảo vệ, phòng chống tác hại của thuốc lá, tác động tiêu cực đến cả đời sống vật chất và tinh thần; Trẻ em có quyền được biết, được cung cấp, tiếp cận thông tin về thuốc lá và tác hại của thuốc lá; Có quyền tránh làm các công việc độc hại ở các công ty thuốc lá; Quyền được sinh sống, học tập và phát triển trong một môi trường lạnh mạnh không khói thuốc… Việc sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm thuốc lá có thể ảnh hưởng tiêu cực, nghiêm trọng, vi phạm quyền trẻ em. Các tác hại trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra cho trẻ em từ việc hút thuốc lá hoặc hút thuốc lá thụ động làm ảnh hưởng tới các quyền của trẻ em trong CRC như sau: Quyền được sống (Điều 6), Quyền được chăm sóc sức khoẻ (Điều 24), Quyền được có mức sống thích đáng để phát triển về thể chất, trí tuệ, tinh thần, đạo đức và xã hội (Điều 27), Quyền được giáo dục (Điều 28), Quyền được vui chơi, giải trí (Điều 31), Quyền được bảo vệ không bị bóc lột về kinh tế và không phải làm bất kỳ công việc gì nguy hiểm hoặc ảnh hưởng đến việc học hành của trẻ em, hoặc có hại đối với sức khỏe hay sự phát triển về thể chất, trí tuệ, tinh thần, đạo đức hay xã hội (Điều 32).
Nhìn từ góc độ trong nước, thời gian qua, liên quan đến quyền trẻ em và công tác phòng chống tác hại thuốc lá, Nhà nước Việt Nam đã tích cực nội luật hóa các quy định của điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam tham gia, đặc biệt là CRC và FCTC, qua đó đã hình thành được hệ thống chính sách, pháp luật khá đồng bộ, toàn diện nhằm bảo đảm hiệu lực thực thi các quyền của trẻ em nói chung, cũng như bảo vệ quyền trẻ em khỏi bị vi phạm do liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến sản xuất và sử dụng thuốc lá.
Cụ thể, Điều 37 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Trẻ em có quyền được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”. Luật Trẻ em được ban hành năm 2016, có hiệu lực từ ngày 01/6/2017, thay thế cho Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004; Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá được ban hành năm 2012; và gần đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 117/2020/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực y tế, Nghị định số 98/2020/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đã quy định nghiêm khắc, chặt chẽ hơn việc xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến thuốc lá…
Bên cạnh đó, Nhà nước Việt Nam cũng đã có những nỗ lực nhằm gắn kết việc kiểm soát thuốc lá với việc thực hiện nhiều Mục tiêu phát triển bền vững 2030[26], như Xóa mọi hình thức nghèo (mục tiêu 1); Xóa đói, bảo đảm an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và phát triển nông nghiệp bền vững (mục tiêu 2); Bảo đảm cuộc sống khỏe mạnh, tăng cường phúc lợi cho mọi người ở mọi lứa tuổi (mục tiêu 3); Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dài hạn, bền vững, toàn diện, tạo việc làm đầy đủ, năng suất và công việc tốt cho tất cả mọi người (mục tiêu 8)…
3. Sự gia tăng sử dụng thuốc lá ở trẻ em Việt Nam trong thời gian gần đây và giải pháp khắc phục
Tình trạng trẻ em Việt Nam bị lôi cuốn sử dụng thuốc lá, đặc biệt là các loại thuốc lá thế hệ mới, có chiều hướng gia tăng trong những năm gần đây. Theo kết quả khảo sát sức khỏe học sinh toàn cầu tại trường học (GSHS) năm 2019, có 3,62% nam thanh niên và 1,53% nữ thanh niên hiện đang hút thuốc lá điện tử. Đáng lưu ý, thuốc lá điện tử dù mới du nhập nhưng tỷ lệ thanh thiếu niên nữ sử dụng thuốc lá điện tử thậm chí còn cao hơn tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu truyền thống (1.53% và 1.16%)[27]. Tỷ lệ hút thuốc lá điện tử hiện đặc biệt cao ở các thành phố lớn, theo nghiên cứu do Viện Chiến lược và Chính sách Y tế (Bộ Y tế) thực hiện vào năm 2020[28], tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử của học sinh lớp 8-12 ở Hà Nội là 8,35% (12,39% trẻ em trai và 4,8% trẻ em gái). Bên cạnh đó, sử dụng thuốc lá điện tử cũng có liên quan đến các tệ nạn xã hội khác như ma túy và các chất gây nghiện khác. Các trường hợp cấp cứu do ngộ độc cần sa phối trộn trong thuốc lá điện tử đã được ghi nhận tại Bệnh viện Bạch Mai và Trung tâm giám định ma túy Viện Khoa học hình sự Bộ Công an và được phản ánh bởi hàng loạt cơ quan báo chí trong thời gian gần đây[29],[30].
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới hiện trạng này. Cụ thể:
Thứ nhất, công tác thanh kiểm tra, xử phạt các vi phạm trong lĩnh vực phòng chống tác hại thuốc lá còn yếu, thiếu sự vào cuộc mạnh mẽ của các đơn vị liên quan. Còn nhiều các vi phạm như sau:
– Vi phạm hút thuốc lá tại các nơi có quy định cấm;
– Quảng cáo các sản phẩm thuốc lá bao gồm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới khác trên các kênh trực tuyến;
– Bán các sản phẩm thuốc lá bất hợp pháp gồm cả điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới khác;
– Vi phạm bán sản phẩm thuốc lá trong phạm vi 100m cổng trường học;
– Bán thuốc lá cho trẻ dưới 18 tuổi…
– Thứ hai, một trong những nguyên nhân chủ yếu của việc tỷ lệ hút thuốc lá còn cao và giảm chậm ở Việt Nam là do giá thuốc lá của Việt Nam vẫn rất rẻ, thậm chí đang ngày càng rẻ đi nếu so với thu nhập. Giá của một bao thuốc lá tại Việt Nam rẻ nhất là chỉ khoảng 6000 đồng/bao (tương đương 0.26 USD), giá phổ biến là ở mức dưới 20.000 đồng/bao (tương đương 0.86 USD). Theo dữ liệu toàn cầu của WHO năm 2017, giá thuốc lá của Việt Nam nằm trong số 15 nước thấp nhất thế giới. Tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ thuốc lá ở Việt Nam chỉ chiếm 38.8% (2020), thấp hơn so với trung bình của các quốc gia có thu nhập trung bình (59%), bằng một nửa của hầu hết các nước ASEAN (Thái Lan 78,6%, Singapore 67,1%, Indonesia 62,3%)[31], và còn cách xa khuyến cáo của WHO là 70% giá bán lẻ (WHO 2020). Trong 20 năm qua, giá thuốc lá sau khi đã điều chỉnh lạm phát hầu như không tăng, thậm chí giảm. Trong khi thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam vẫn tăng đều đặn hàng năm nên giá thuốc lá ngày càng trở nên dễ tiếp cận, với ngay cả nhóm chưa có thu nhập như là trẻ em.
Thứ ba, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là những sản phẩm độc hại, có xu hướng nhắm chủ yếu tới đối tượng là giới trẻ, nguy cơ tác động đến cả một thế hệ trẻ. Các sản phẩm thuốc lá mới được thiết kế đa dạng màu sắc, kiểu dáng, hương vị hấp dẫn, phù hợp với thị hiếu giới trẻ. Thuốc lá mới bày bán công khai, dễ dàng mua trên các trang web, mạng xã hội. Các cửa hàng thuốc lá mới được thiết kế đẹp và sang trọng như những cửa hàng đồ công nghệ với những posters khổ lớn treo một cách công khai, có các chương trinh khuyến mại sản phẩm… Giá cả thuốc lá mới đa dạng, đặc biệt có nhiều sản phẩm giá thành rất rẻ khiến trẻ em dễ dàng tiếp cận. Theo khảo sát tại 181 cửa hàng trực tuyến bán TLĐT và TLNN tại Hà nội và Thành phố Hồ Chí Minh từ tháng 9/2021 đến tháng 3/2022, giá trung bình của sản phẩm thuốc lá điện tử loại dùng một lần từ 249,000 đồng. Thậm chí có những sản phẩm thuốc lá điện tử chỉ có giá là 50,000 đồng[32]. Các sản phẩm thuốc lá mới quảng cáo, bán hàng trên các trang mạng xã hội có nhiều trẻ em và thanh niên tham gia như Facebook, Tiktok, Instagram… Trong 6 tháng cuối năm 2021, có 54,967 tin bài quảng cáo, chia sẻ về thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trên Internet, trong đó mạng xã hội Facebook là nơi tập trung số lượng tin bài nhiều nhất (chiếm 63,7%), theo sau là Tiktok (chiếm 31,8%)[33]. Các yếu tố trên làm tăng tỷ lệ sử dụng thuốc lá mới trong thanh thiếu niên. Đây là vấn đề mang tính thời sự, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc bảo đảm quyền về sức khoẻ của trẻ em ở nước ta, đòi hỏi cần có những biện pháp cấp bách để giải quyết.
Có nhiều giải pháp phòng chống tác hại của thuốc lá, nhưng tựu trung lại là nhằm kiểm soát, tác động đến nguồn cung cấp thuốc lá, và kiểm soát, giảm thiểu việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá. Sự thành công của các biện pháp này phụ thuộc nhiều yếu tố, bao gồm tâm lý, tính cách, ý thức, môi trường sống của trẻ em, sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước với gia đình, nhà trường, cộng đồng… vì vậy, phương châm là cần thực hiện đồng thời nhiều biện pháp gắn kết trong một chiến lược tổng thể, một khung chính sách toàn diện nhằm kiểm soát, phòng chống hiệu quả, giảm thiểu tác hại của thuốc lá ở nước ta.
Cụ thể, những biện pháp cần tiến hành gồm:
– Tăng cường thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2012, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm trong đó tập trung xử lý vi phạm địa điểm cấm hút thuốc, vi phạm về quảng cáo, khuyến mại và tài trợ, kinh doanh buôn bán các sản phẩm thuốc lá lậu;
– Tăng mạnh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá để ngăn chặn sự gia tăng sức mua thuốc lá, hạn chế thanh niên tiếp cận với thuốc lá giá rẻ. Thuế và giá là giải pháp có chi phí thấp nhưng mang lại hiệu quả cao đối với việc giảm tiêu dùng thuốc lá và là giải pháp phòng bệnh hữu hiệu đã được Tổ chức Y tế Thế giới và Ngân hàng Thế giới khuyến cáo các quốc gia cần áp dụng[34];
– Ban hành chính sách cấm sản xuất, lưu hành thuốc lá điện tử và các sản phẩm thuốc lá nung nóng tại Việt Nam để bảo vệ thế hệ trẻ Việt Nam khỏi tác hại của thuốc lá. Bộ Y tế, Tổ chức Y tế Thế giới và các tổ chức y tế công cộng đều có cùng khuyến cáo này đối với Việt Nam;
– Truyền thông nâng cao hiểu biết về tác hại thuốc lá và thuốc lá mới và trách nhiệm của cha mẹ, giáo viên, trẻ em trong việc phòng ngừa trẻ em tiếp cận và sử dụng các sản phẩm đó.
Kết luận
Sử dụng thuốc lá có tác động tiêu cực nghiêm trọng đến sức khoẻ và các quyền của trẻ em. Vì vậy, việc phòng, chống tác hại của thuốc lá cũng chính là để bảo đảm các quyền của trẻ em. Vấn đề này đã được khẳng định và quy định trong nhiều văn kiện pháp luật quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, đặc biệt là CRC và FCTC, cũng như trong pháp luật Việt Nam. Sự gia tăng tình trạng sử dụng thuốc lá trong trẻ em Việt Nam những năm gần đây đang đặt ra yêu cầu với Nhà nước và xã hội trong việc rà soát, thắt chặt khung chính sách, pháp luật về kiểm soát thuốc lá, và hoàn thiện cơ chế phòng, chống tác hại của thuốc lá trong thực tế để bảo đảm hiệu quả hơn các quyền của trẻ em và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của đất nước trong giai đoạn mới.
[1] Lời Mở đầu, Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em.
[2] United Nations Treaty Collection, Convention on the Rights of the Child, https://treaties.un.org/pages/ViewDetails.aspx?src=IND&mtdsg_no=IV-11&chapter=4, truy cập 27/4/2023.
[3] OHCHR, Ratification Status for CRC – Convention on the Rights of the Child, https://tbinternet.ohchr.org/_layouts/15/TreatyBodyExternal/Treaty.aspx?Treaty=CRC&Lang=en, truy cập 27/4/2023.
[4] Bộ Y tế, Điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở thanh thiếu niên năm 2007, 2014.
[5] Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2012, Điều 2, khoản 1,2.
[6] Sở Y tế Hà Nội, Thuốc lá thế hệ mới và những hệ lụy, 09/08/2022, https://soyte.hanoi.gov.vn/chuong-trinh-y-te/-/asset_publisher/4IVkx5Jltnbg/content/thuoc-la-the-he-moi-va-nhung-he-l-1, truy cập 27/4/2023.
[7] Chương trình phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế (2014), Gánh nặng bệnh tật và tổn thất kinh tế của việc sử dụng thuốc lá, 2014.
[8] MSD, Sử dụng ma túy và chất gây nghiện ở thanh thiếu niên, https://www.msdmanuals.com/vi/chuy%C3%AAn-gia/khoa-nhi/, truy cập 27/4/2023.
[9] https://www.who.int/publications/i/item/9789240022218.
[10] https://www.who.int/news/item/16-03-2021-new-brief-outlines-devastating-harms-from-tobacco-use-and-exposure-to-second-hand-tobacco-smoke-during-pregnancy-and-throughout-childhood.
[11] Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, Trường đại học Y tế công cộng. Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành năm 2020.
[12] Bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới (2019), Điều tra sức khỏe học sinh trong trường học, 2019.
[13] World Health Organization 2021, Tobacco control to improve child health and development: thematic brief.
[14] Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, Trường đại học Y tế công cộng. Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành năm 2020.
[15] Bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới, Điều tra sức khỏe học sinh trường học năm 2019.
[16] Bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới, Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành năm 2015 (GATS)
[17] Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, tlđd.
[18] Bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới 2019, Điều tra sức khỏe học sinh trường học.
[19] TH, Nỗ lực giảm tác hại thuốc lá trên toàn cầu, Tạp chí Tuyên giáo, 15/11/2021, https://tuyengiao.vn/van-hoa-xa-hoi/phong-chong-tac-hai-thuoc-la/no-luc-giam-tac-hai-thuoc-la-tren-toan-cau-136657, truy cập 27/4/2023.
[20] TG, Chính sách của Nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá, Tạp chí Tuyên giáo, 5/8/2022, https://tuyengiao.vn/van-hoa-xa-hoi/phong-chong-tac-hai-thuoc-la/chinh-sach-cua-nha-nuoc-ve-phong-chong-tac-hai-cua-thuoc-la-140116, truy cập 27/4/2023.
[21] The UN, The 2030 Agenda for Sustainable Development, https://sdgs.un.org/2030agenda, truy cập 27/4/2023.
[22] Xem toàn văn Công ước tại: http://vinacosh.gov.vn/vi/cong-uoc-khung/toan-van-cong-uoc/, truy cập 27/4/2023.
[23] Công ước có hiệu lực đối với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ ngày 17/3/2005.
[24] The Convention Secretariat, WHO FCTC 2020, The Guide for WHO FCTC Parties on including SDG Target 3.a in Voluntary National Reviews.
[25] WHO 2001, Tobacco and the rights of the child.
[26] Sonja von Eichborn 2021, Discover how sustainable development, children’s rights and tobacco control are linked, Tobacco Prevention & Cessation.
[27] Bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới 2019, Điều tra sức khỏe học sinh trường học.
[28] Viện Chiến lược và Chính sách y tế 2020, Nghiên cứu về các hành vi nguy cơ đối với sức khỏe học sinh THCS và THPT tại Hà Nội.
[29] Mạnh Cường 2020, Thuốc lá điện tử và con đường dẫn đến ma túy tổng hợp, https://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/thuoc-la-dien-tu-va-con-duong-dan-den-ma-tuy-tong-hop/109689.htm.
[30] Vnexpress 2020, Ma túy trộn lẫn trong thuốc lá điện tử, https://vnexpress.net/ma-tuy-tron-lan-trong-thuoc-la-dien-tu-4200831.html.
[31] WHO 2021, Report on the global tobacco epidemic.
[32] HealthBridge 2022, Kết quả khảo sát tại 181 cửa hàng trực tuyến bán TLĐT và TLNN tại Hà nội và Thành phố Hồ Chí Minh từ tháng 9/2021 đến tháng 3/2022.
[33] Fermion and Campaign for Tobacco Free Kids, 2021, Social listening.
[34] WHO, 2021, Report on the global tobacco epidemic.
Trích nguồn:
Nguyễn Anh Phương, Vũ Công Giao & Nguyễn Thị An 2023, Phòng, chống tác hại thuốc lá và bảo đảm quyền trẻ em ở Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 12 (484), tháng 6/2023, http://lapphap.vn/Pages/TinTuc/211641/Phong–chong-tac-hai-cua-thuoc-la-va-bao-dam-quyen-tre-em-o-Viet-Nam.html.
[…] chỉnh sửa, bổ sung bởi nhóm tác giả, và được biên tập, xuất bản trên Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 12 (484), tháng […]