1. Các tác giả của Hiến pháp Hoa Kỳ đã để lại những tư tưởng lớn về lập hiến và lập pháp được chứng minh qua thời gian dài.
Dựa trên những hiến định về nhánh quyền lập pháp mà các nghị sĩ lưỡng viện Mỹ đã lập thêm rất nhiều những thủ tục phức tạp, để đề xuất chính sách/dự luật phải trải qua, từ khi được giới thiệu ở Hạ viện hoặc Thượng viện đến khi được thông qua. Dự luật có thể được soạn thảo bởi bất cứ ai, nhưng nó phải được một nghị sĩ “giới thiệu” trong thời gian Quốc hội họp để bắt đầu một hành trình dài, có thể bị sửa đổi, có thể có nhiều phiên bản khác nữa để lựa chọn, và có thể bị hủy bỏ ngay từ những giai đoạn đầu.
Và số dự luật không được thông qua nhiều đến nỗi mà có quan điểm cho rằng, đánh giá hiệu quả hoạt động của Quốc hội Hoa Kỳ thì nên dựa vào số dự luật bị hủy bỏ, hơn là dựa vào số dự luật được trở thành luật.
Một dự luật được thông qua ở Quốc hội Mỹ càng ngày càng trở nên khó khăn, trước xu hướng phân cực và đảng phái ngày càng cao hiện nay, có thể tạo ra những bế tắc kéo dài. Mặc dù Tổng thống hành pháp có xu hướng gia tăng vai trò, sự ảnh hưởng trong việc đề xuất chính sách, nhưng Quốc hội Hoa Kỳ vẫn đóng vai trò chủ thể quan trọng trong lập pháp và hoạch định chính sách quốc gia.
2. Ở Việt Nam, khi sửa đổi Luật Ban hành văn bản Quy phạm pháp luật 2015, cũng đã có nhiều ý kiến khác nhau về các đề xuất chính sách trong dự án luật do các cơ quan soạn thảo trình (thường xuất phát từ phía Chính phủ), cho đến khi đưa ra nghị trường thảo luận thì đã thay đổi rất nhiều; và cho rằng nên để cơ quan soạn thảo cũng là cơ quan chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật. Luật sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, năm 2020, đã không đi theo hướng này.
Giả sử, trong trường hợp một cơ quan đề xuất dự án luật đã đề xuất chính sách, được đưa vào nghị trình, rồi lại tham gia chủ trì soạn thảo dự luật, sau đó lại chủ trì việc chỉnh lý dự thảo, tiếp thu ý kiến còn khác nhau, và vẫn kiên trì với đề xuất chính sách ban đầu dù còn nhiều tranh luận, thì Quốc hội làm thế nào?
Hoạch định chính sách, làm luật là công việc của Quốc hội, Quốc hội có thể chủ động điều chỉnh, thay đổi các đề xuất chính sách, hoặc đề xuất thêm mới các giải pháp chính sách của dự án luật trong quá trình thẩm tra, thảo luận nghị trường. Quốc hội còn có thể không thông qua dự luật nếu không đạt được sự đồng thuận trong biểu quyết theo luật định.
Nguyễn Anh Phương
[…] nên chủ động tham gia, thúc đẩy quá trình này, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động lập pháp và hoạch định chính sách của Quốc hội và các Đại biểu Quốc […]