Chính sách công: Chính trị, phân tích, và các giải pháp thay thế là cuốn sách đầu tiên được lựa chọn giới thiệu trong chủ đề Sách hay trên chinhsach.vn.
Nội dung bài này dựa trên lần xuất bản thứ 5, cuốn “Public policy: politics, analysis, and alternatives / Michael E. Kraft, University of Wisconsin, Green Bay, Scott R. Furlong, University of Wisconsin, Green Bay, 5th ed.
Có lẽ đây là một trong những cuốn sách “phải đọc”, hoặc ít ra là “nên đọc” đối với các sinh viên tại nhiều trường/khoa chính sách công trên thế giới; và vì thế, cũng rất hữu ích đối với các sinh viên ngành chính sách công ở Việt Nam. Khi học ở ANU, đây cũng là một trong những cuốn sách quan trọng mà chúng tôi phải đọc để viết luận.
Michael E. Kraft là giáo sư danh dự về khoa học chính trị và public affairs tại trường University of Wisconsin; Scott R. Furlong cũng là giáo sư về khoa học chính trị và public affairs tại trường University of Wisconsin. Hai ông đã nỗ lực tạo ra sự khác biệt trong sản phẩm của mình, so với nhiều giáo trình chính sách công thường thấy khác. Sách không chỉ bao gồm các kiến thức nền tảng về quá trình chính sách, mà còn giới thiệu cả về phân tích chính sách, một cách gắn kết logic hai trong một.
Chính sách công: Chính trị, phân tích, và các giải pháp thay thế bắt đầu với Phần I – giới thiệu vắn tắt về nghiên cứu chính sách công, bao gồm 3 chương:
Chương (1) về Chính sách và chính trị: Trong đó nêu ra định nghĩa chính sách công, mối quan hệ giữa chính trị và chính sách; lý do cần thiết phải nghiên cứu chính sách, các bối cảnh chính sách công, hay giải thích về sự cần thiết tham gia hoạch định và thực thi chính sách từ phía nhà nước;
Chương (2) về Các cơ quan nhà nước và các chủ thể chính sách: Tập trung vào sự hình thành và phát triển của nhà nước liên bang (Hoa Kỳ) và vai trò của các nhánh quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, cũng như các nhóm lợi ích, vận động hành lang, và công chúng trong quá trình hoạch định chính sách. Mặc dù đi sâu vào cấu trúc thể chế và quá trình chính sách của Mỹ, nhưng chương này cũng rất hữu ích cho sinh viên quốc tế bởi những lý giải tương đối rõ ràng về vai trò của các chủ thể khác nhau trong hoạch định và thực thi chính sách. Chương này cũng góp phần làm sáng tỏ phần nào câu hỏi tại sao lập pháp có vai trò quan trọng trong hoạch định chính sách;
Chương (3) về Hoạch định chính sách: với các lý thuyết cơ bản về chính trị và chính sách; mô hình các giai đoạn của quá trình hoạch định chính sách; các công cụ chính sách và kiểu loại chính sách. Nội dung của chương này là những lý thuyết cơ sở bước đầu cho nghiên cứu và thực hành chính sách, được trình bày mạnh lạc và dễ hiểu.
Phần tiếp theo của cuốn sách thảo luận về bản chất của phân tích chính sách và thực hành, giúp người đọc hiểu rõ việc ứng dụng các công cụ phân tích chính sách, các tiêu chí đánh giá trong các lĩnh vực chính sách khác nhau.
Cụ thể, Phần II viết về phân tích chính sách công, bao gồm 3 chương:
Chương (4) giới thiệu (nhập môn) về phân tích chính sách: nêu bản chất của phân tích chính sách; các bước (giai đoạn) chính trong quá trình phân tích chính sách cũng như các phương pháp tiếp cận, tiêu chí đánh giá khác nhau;
Chương (5) bàn về xác định vấn đề công và các phương án (giải pháp) thay thế; Các tác giả tập trung phân tích bản chất vấn đề công, tầm quan trọng của phương pháp tư duy nguyên nhân và kết quả; cách thức hình thành giải pháp chính sách, những điều chính phủ có thể làm; các kiểu loại và công cụ phân tích chính sách;
Chương (6) là phần đánh giá các giải pháp thay thế, gồm các tiêu chí đánh giá đề xuất chính sách, nhấn mạnh vào tính hiệu quả, hiệu suất, công bằng, các giá trị chính trị và đạo đức, hay các công cụ phân tích chi phí – lợi ích, các tiếp cận kinh tế, chính trị, thể chế… một cách khá đầy đủ và dễ hiểu. Các công cụ phân tích cơ bản cũng như cách tiếp cận đa chiều giúp người đọc (sinh viên) hiểu được động lực của các chủ thể chính sách bên trong và bên ngoài chính phủ (nhà nước), cũng như những ảnh hưởng toàn diện phức tạp của các chủ thể này đến nghị trình chính sách.
Phần III bàn về các lĩnh vực chính sách quan trọng như chính sách kinh tế và ngân sách, chính sách chăm sóc sức khỏe, chính sách phúc lợi và an sinh xã hội, chính sách giáo dục, chính sách môi trường và năng lượng, chính sách đối ngoại…
Phần IV bàn thêm về một số vấn đề lớn trong nghiên cứu chính sách liên quan đến chính trị, phân tích và lựa chọn chính sách công, sự thay đổi chính sách, đánh giá chính sách, hay vấn đề sự tham gia của công chúng vào quá trình hoạch định chính sách công…
Mặc dù có điểm trừ là một số nội dung còn sơ sài – do đề cập đến quá nhiều vấn đề, đây vẫn là cuốn sách rất hữu ích. Nó có thể hỗ trợ cho sinh viên ngành chính sách hoặc những người có nhu cầu tìm hiểu – một cách cơ bản và hệ thống – về lý thuyết nghiên cứu, phân tích chính sách, thấy được tầm quan trọng của chính sách và nghiên cứu chính sách; như thế nào, và tại sao phân tích chính sách được sử dụng để đánh giá các giải pháp thay thế; vì sao phân tích chính sách được dùng để hỗ trợ cho các luận điểm chính trị. Đồng thời, nó cũng khuyến khích tư duy phản biện và sáng tạo trên nhiều vấn đề chính sách với những ví dụ minh họa thực tế sinh động. Ngoài ra, các câu hỏi ôn tập, thảo luận, gợi ý đọc thêm, các địa chỉ website tham khảo, và các định nghĩa khái niệm quan trọng trong chính sách công được sử dụng ở cuối mỗi chương sách cũng là điểm cộng của cuốn sách này, phù hợp cho nhiều đối tượng độc giả với những mục đích khác nhau trong nghiên cứu và thực hành chính sách.
Nguyễn Anh Phương
[…] Cũng dựa trên cách tiếp cận này, Kraft & Furlong (2010) định nghĩa: “chính sách công là tập hợp các hành động hoặc không hành […]