Nâng cao hiệu quả chính sách phòng, chống tác hại thuốc lá
“Hệ thống chính sách, pháp luật về kiểm soát thuốc lá ở Việt Nam là tương đối đầy đủ. Nếu Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2012, cũng như các giải pháp chính sách cụ thể được thực thi nghiêm túc, quyết liệt thì đã có thể giảm đáng kể số người sử dụng thuốc lá. Tuy nhiên, trên thực tế, việc thực thi còn chưa đồng bộ, vẫn “đánh trống bỏ dùi”, không thường xuyên, nhiều thời điểm trầm lắng, lên xuống theo phong trào. Hiệu quả thực tế chưa đạt như mong muốn, kỳ vọng vì thiếu những động lực, quyết tâm chính trị và phương án thực thi chính sách sao cho hiệu quả. Vì thế, một giải pháp tiếp cận toàn diện, đa chiều và quyết tâm chính trị ở cấp cao nhất là cần thiết để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tác hại thuốc lá ở nước ta”
(tiếp theo Phần 1)
2. Khung khổ chính sách chung về phòng, chống thuốc lá
Chiến lược chung
Một khung khổ chính sách toàn diện về kiểm soát thuốc lá cần bao quát được các nội dung chính sau: kiểm soát, giảm cầu và lượng cầu về thuốc lá; kiểm soát, giảm cung và lượng cung về thuốc lá. Đồng thời, cần thực hiện các biện pháp hỗ trợ khác, như hạn chế các tác hại trực tiếp và gián tiếp từ việc sử dụng thuốc lá cho bản thân người dùng và cộng đồng; bảo vệ môi trường trong lành, không khói thuốc; hỗ trợ cai nghiện và giải quyết giảm nhẹ các gánh nặng kinh tế, xã hội từ việc sử dụng thuốc lá qua từng giai đoạn, nhằm tiến tới mục tiêu xây dựng xã hội không có thuốc lá (tobacco-free societies).
Các nội dung trên cũng được thể hiện khá đầy đủ trong các điều khoản của FCTC và các hướng dẫn, cam kết thực thi của chính phủ các nước thành viên, đó là: Thực thi các giải pháp phù hợp để bảo vệ chính sách kiểm soát thuốc lá tại mỗi quốc gia (theo Điều 5.3); Bảo vệ người dân khỏi các ảnh hưởng, tác hại từ khói thuốc (theo Điều 8); Quy định về các quy cách mẫu mã sản phẩm thuốc lá (theo Điều 9 và Điều 10); Quy định chặt chẽ về bao bì, nhãn hiệu thuốc lá (theo Điều 11); Giáo dục, truyền thông, đào tạo, nâng cao nhận thức về tác hại thuốc lá (THTL), theo Điều 12; Nghiêm cấm các hoạt động quảng cáo, khuyến mại, tài trợ (theo Điều 13); Giảm nhu cầu và sự phụ thuộc vào thuốc, hỗ trợ “cai nghiện”, dừng sử dụng thuốc lá (theo Điều 14); Ngoài ra, các biện pháp kiểm soát nguồn cung thuốc lá, chống buôn lậu thuốc lá, tăng thuế và giá bán, các ràng buộc pháp lý và bảo vệ môi trường cũng được khuyến nghị (các phần IV, V, VI, VII, VIII – FCTC).
Thêm nữa, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đề xuất chiến lược kiểm soát thuốc lá: MPOWER[1], bao gồm 6 thành tố: Monitor – Giám sát việc sử dụng thuốc lá và các chính sách phòng, chống tác hại thuốc lá; Protect – Bảo vệ mọi người tránh khỏi khói thuốc lá; Offer – Hỗ trợ cai nghiện thuốc lá; Warn – Cảnh báo về tác hại của thuốc lá; Enforce – Nghiêm cấm quảng cáo thuốc lá, khuyến mại và tài trợ; Raise – Tăng thuế thuốc lá.
Như vậy, có thể thấy về nguyên tắc, cần thực hiện việc kiểm soát để giảm cả cung và cầu về thuốc lá, đồng thời với các chính sách hỗ trợ và khắc phục hậu quả của việc sử dụng thuốc lá tràn lan từ trước. Dựa trên chiến lược chung này, mỗi quốc gia có thể xây dựng, phát triển thêm các phương án chính sách với từng mục tiêu và biện pháp can thiệp cụ thể, phù hợp với các đặc điểm riêng của mỗi nước. Trên thực tế, tỷ lệ các nước tham gia FCTC tiếp cận áp dụng một chiến lược, kế hoạch và chính sách toàn diện, kiểm soát đa chiều (theo Điều 5.1 – FCTC) đã tăng từ 49% năm 2010 đến 59% năm 2012 và 68% năm 2014[2].
Cùng với đó, có một số nguyên tắc, hoặc biện pháp đạt được sự ủng hộ cao, cần lưu ý là:
– Các chiến dịch truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức về tác hại thuốc lá góp phần tích cực làm giảm số người hút thuốc lá và số người muốn hút thuốc. Cơ sở của nó là, nếu như các cách thức quảng cáo tinh vi của các công ty thuốc lá có thể làm tăng số người tiêu thụ thuốc lá (khoảng 6-7%), thì việc quảng cáo, tuyên truyền về tác hại thuốc lá và phòng, chống hút thuốc lá cũng có thể thay đổi thái độ, hành vi của người hút thuốc lá và cả những người bị tác động có hại từ khói thuốc lá[3].
– Lợi ích của ngành công nghiệp thuốc lá (the tobacco industry’s interests) có mâu thuẫn cơ bản và khó dung hòa với lợi ích từ các chính sách sức khỏe công cộng (public health policy interests). Ngành công nghiệp thuốc lá sản xuất và bán các sản phẩm mang đến cái chết cho khoảng một nửa khách hàng, vì thế, các công ty này cần minh bạch các khía cạnh lợi ích, làm rõ các mặt tích cực và tiêu cực về thực hiện trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng, cung cấp đầy đủ thông tin và gánh chịu các chi phí kiểm định sản phẩm v.v..[4]. Không nên tạo ra những chính sách có lợi, hoặc gián tiếp khuyến khích phát triển công nghiệp thuốc lá vì sẽ dẫn tới xung đột với mục tiêu chính sách kiểm soát thuốc lá[5].
– Nhiều nghiên cứu đều cho rằng, tăng thuế và do đó, tăng giá thuốc lá nên là một giải pháp ưu tiên trong chính sách, chiến lược kiểm soát thuốc lá[6]. WHO khẳng định, đánh thuế thuốc lá cao là biện pháp hiệu quả nhất nhằm giảm các tác hại từ thuốc lá[7]. Nhiều người hút thuốc lá sẽ giảm lượng tiêu thụ hàng ngày khi giá thuốc lá tăng cao, thay vì chuyển sang các loại thuốc lá nặng hơn, hoặc thực hiện các hành vi bù vào sự thiếu hụt lượng tiêu thụ, như hít khói thuốc vào sâu hơn, thở khói thuốc ra nhanh, ngắn hơn. Quan trọng hơn, giá thuốc lá quá cao có thể là một động lực để nhiều người bỏ hẳn việc hút thuốc lá, cũng như nhiều người cân nhắc sẽ không bắt đầu hút thuốc lá, nhất là đối với nhóm người yếu thế, người có thu nhập thấp. Đối với những người không hút thuốc lá thì việc tăng giá thuốc lá là điều kiện đảm bảo môi trường trong lành cho sức khỏe tốt hơn[8]. Như vậy, tăng thuế thuốc lá chính là giải pháp có tác động kép trong giảm cả cung và cầu về thuốc lá.
– Việc tăng thuế đạt kết quả tốt nhất khi đồng hành với đẩy mạnh chống buôn lậu thuốc lá.
Một số kinh nghiệm thực tiễn
Dựa trên khung khổ chung và tiếp cận chính sách kiểm soát thuốc lá toàn diện, nhiều quốc gia đã thu được những kết quả tích cực. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, giảm được việc sử dụng thuốc lá tràn lan có tỷ lệ thuận và xảy ra đồng thời với các hoạt động kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng thuốc lá. Ví dụ ở Australia, việc giảm tỷ lệ nam giới hút thuốc trong những năm 1980, xảy ra đồng thời với các tài trợ truyền thông kêu gọi bỏ thuốc lá và chiến dịch kiểm soát thuốc lá, quản lý chặt chẽ việc quảng cáo thuốc lá trên các phương tiện thông tin đại chúng; duy trì liên tục các khuyến nghị về tác hại thuốc lá. Ngược lại, tỷ lệ hút thuốc lá ít thay đổi trong những năm 1990 ở Australia liên quan đến sự trầm lắng về các chính sách, pháp luật, quy định liên quan đến quản lý quảng cáo và hạn chế hút thuốc, cùng với việc giảm ngân sách dành cho các đợt tuyên truyền, giáo dục có liên quan đến tác hại thuốc lá[9].
Ở Mỹ, chương trình kiểm soát thuốc lá toàn diện của bang California đã có những thành công, qua cách tiếp cận đa chiều: (1) ưu tiên kiểm soát SHS, kiểm soát chặt chẽ công nghiệp thuốc lá, hạn chế tiếp cận các sản phẩm thuốc lá và cung cấp các dịch vụ cai nghiện (providing cessation services); (2) hướng đến việc đề xuất xây dựng, hoặc thay đổi thái độ xã hội đối với vấn đề giá cả, SHS, thay đổi những quan niệm xã hội về ảnh hưởng, tác hại của thuốc lá; (3) Chính sách không điển hình, khuyến khích các giải pháp sáng tạo, chủ động từ địa phương trong việc kiểm soát thuốc lá[10].
Việc can thiệp vào giảm hút thuốc lá nơi làm việc có lợi ích kinh tế và xã hội rộng lớn, đạt tỷ lệ lợi ích – chi phí lên tới 8,75, tạo ra tiết kiệm chi phí trong 12 tháng của người lao động từ 150 đến 540 đô la Mỹ/người, đồng thời giảm lượng thuốc lá được tiêu thụ, và trực tiếp hay gián tiếp giảm chi phí y tế. Lợi ích trong dài hạn là ngăn chặn sử dụng thuốc lá tràn lan, dẫn tới một môi trường làm việc lành mạnh, đạt hiệu suất lao động cao hơn[11]. Ở Mỹ, những nơi có vùng cấm hút thuốc thì mức độ người bị hút thuốc thụ động thấp hơn 90% so với những nơi không quy định[12]. Bên cạnh đó, các chương trình phổ biến trong trường học về tác hại thuốc lá có thể giúp làm giảm sự lan tràn sử dụng thuốc lá trong ngắn hạn khoảng từ 30% đến 70%, với mức chi phí từ 16.400 đến 580.000 đô la tùy thuộc quy mô, mức độ can thiệp[13].
Ở Canada, theo một nghiên cứu mới đây, Cơ quan quản lý nhà Waterloo tiến hành áp dụng chính sách không hút thuốc ở các nhà chung cư, nhà ở xã hội, là cam kết bắt buộc đối với những người mới đến ở. Qua phân tích số liệu thu thập về tỷ lệ người hút thuốc lá trước khi áp dụng chính sách (năm 2010) và các năm sau đó (2012, 2013) cho thấy, chính sách này đã góp phần làm giảm số người hút thuốc lá trong nhà của họ, có tác dụng làm tăng số người từ bỏ thuốc lá[14].
Trong khi đó, mức độ nhận thức, cũng như các phản ứng khi biết rõ tác hại của thuốc lá là khác nhau. Ví dụ, trong số 46,6 triệu người hút thuốc ở Mỹ, có 70% muốn bỏ thuốc lá và 40% thử bỏ thuốc mỗi năm[15]. Còn ở Trung Quốc, tỷ lệ bỏ thuốc thành công chỉ chiếm 11%, và 82% không nghĩ rằng họ sẽ bỏ hút thuốc lá[16].
Điều gây ngạc nhiên là ở một số nước, các thầy thuốc, thường được xem có vai trò rất quan trọng trong việc giảm sử dụng thuốc lá và tuyên truyền nhận thức về các tác hại từ thuốc lá, lại hay sử dụng thuốc lá nơi làm việc và trước mặt bệnh nhân. Việc yêu cầu hoặc tư vấn cho bệnh nhân bỏ thuốc lá là không phổ biến đối với các thầy thuốc, đặc biệt với những người y bác sĩ cũng đang hút thuốc. Tỷ lệ trung bình các thầy thuốc hút thuốc lá cao nhất ở Trung/Tây Âu (37%), châu Phi (29%), Trung và Nam Mỹ (25%) và châu Á (17,5%). Các chương trình vận động không hút thuốc lá trong các thầy thuốc là ít thấy ở nhiều quốc gia, và tỷ lệ bỏ thuốc cũng thấp[17]. Do vậy, cần chú trọng thực hiện nghiêm các quy định cấm hút thuốc lá đối với nhóm đối tượng liên quan trực tiếp đến việc thực thi các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá.
Một vấn đề nữa đáng lưu ý về tác động tiêu cực, ngược chiều từ các chiến dịch truyền thông, quảng cáo nhằm chống hút thuốc lá, do chính các công ty thuốc lá thực hiện. Các chiến dịch vận động phòng chống thuốc lá trong giới trẻ, do các công ty thuốc lá thực hiện tại Mỹ và các nước châu Mỹ la tinh, kiểu như: Hãy suy nghĩ kỹ, đừng hút thuốc; Quyết định đúng, dừng lại ngay, Giúp thanh niên nói không; Giúp thanh niên quyết định, v.v.. có tác dụng ngược, gián tiếp dẫn đến tăng số người hút thuốc và làm yếu đi các vận động không hút thuốc khác[18]. Bên cạnh đó là những lo ngại về các chương trình trách nhiệm xã hội của các công ty thuốc lá vì nó chứa đựng mâu thuẫn giữa việc vừa tạo ra, vừa nỗ lực giảm nhẹ tác hại từ chính sản phẩm của họ. Trong khi nếu không kiểm soát tốt thì các hoạt động xã hội lại gián tiếp cổ vũ cho hành vi sử dụng thuốc lá.
3. Giải pháp chính sách về phòng, chống thuốc lá ở Việt Nam
Căn cứ vào khung khổ chính sách, chiến lược chung về kiểm soát thuốc lá được khuyến nghị, có thể nói hệ thống chính sách, pháp luật về kiểm soát thuốc lá ở Việt Nam là tương đối đầy đủ. Nếu Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2012, cũng như các giải pháp chính sách cụ thể được thực thi nghiêm túc, quyết liệt thì đã có thể giảm đáng kể số người sử dụng thuốc lá. Tuy nhiên, trên thực tế, việc thực thi còn chưa đồng bộ, vẫn “đánh trống bỏ dùi”, không thường xuyên, nhiều thời điểm trầm lắng, lên xuống theo phong trào. Hiệu quả thực tế chưa đạt như mong muốn, kỳ vọng vì thiếu những động lực, quyết tâm chính trị và phương án thực thi chính sách sao cho hiệu quả. Vì thế, một giải pháp tiếp cận toàn diện, đa chiều và quyết tâm chính trị ở cấp cao nhất là cần thiết để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tác hại thuốc lá ở nước ta. Dưới đây, chúng tôi khuyến nghị cách tiếp cận tổng quát và một số giải pháp cụ thể:
Thúc đẩy xây dựng chính sách dựa trên bằng chứng
Bên cạnh những quy định còn nặng về “tuyên ngôn”, một nguyên nhân quan trọng là chúng ta thiếu những số liệu có độ tin cậy cao, những báo cáo phân tích định lượng đầy đủ, thuyết phục để làm cơ sở cho các giải pháp chính sách dựa trên bằng chứng (evidence-based policies) đúng đắn và kịp thời, tạo điều kiện dễ dàng triển khai thực hiện. Đây là một trong những khâu yếu, dẫn đến các giải pháp thường chung chung, không có mục tiêu biện pháp can thiệp trọng tâm thích hợp, dẫn đến tác động kém hiệu quả trong việc tuyên truyền và thực thi việc phòng, chống tác hại thuốc lá.
Cùng với những nghiên cứu định tính hoặc mô tả đơn thuần, các phân tích chính sách dựa trên thực chứng, chỉ rõ mối quan hệ nguyên nhân – kết quả của vấn đề sử dụng thuốc lá tràn lan, có kiểm định, kiểm tra đánh giá kết quả các biện pháp can thiệp, sẽ là yếu tố thuyết phục chứng minh tính đúng đắn hay sai lầm của các giải pháp chính sách trong điều kiện cụ thể từng địa phương và trên bình diện quốc gia. Ví dụ như các nghiên cứu về mối liên hệ tương quan giữa tỷ lệ sử dụng thuốc lá và nhóm xã hội, các mô hình, đặc điểm bệnh lý, nguyên nhân, số lượng các loại bệnh có liên quan đến thuốc lá, phù hợp với điều kiện thể trạng người Việt Nam; nghiên cứu về giới, về dân tộc, vùng địa lý, nhóm bị tác động SHS, tác hại của thuốc lá đối với phụ nữ và trẻ em v.v.. cần có số liệu phân tích định lượng chi tiết, tin cậy để thuyết phục được công chúng và người hoạch định, thực thi chính sách. Từ đó cũng hình thành được hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về phòng, chống tác hại thuốc lá. Vì thế, các phân tích chính sách và hoạch định chính sách dựa trên thực chứng nói chung và phòng chống tác hại thuốc lá nói riêng cần được cổ vũ, thúc đẩy mạnh hơn nữa. Tất nhiên, để làm được điều này, ngoài đội ngũ chuyên gia, vấn đề tài chính tài trợ nghiên cứu là rất cần thiết, nhưng còn gặp nhiều khó khăn trong phạm vi ngân sách hạn hẹp.
Tiếp cận đa chiều, đa ngành
Việc tham khảo thông tin nghiên cứu từ các nước trên thế giới, như các kết quả phân tích số liệu đưa ra ở trên, cũng là một cơ sở quan trọng để ứng dụng vào điều kiện nước ta. Tiếp cận xây dựng chính sách toàn diện, huy động nỗ lực chung của toàn xã hội là rất cần thiết, trong đó, Chính phủ và hệ thống hành chính nhà nước cần nghiêm túc triển khai, tạo sự lan tỏa ra toàn xã hội. Bên cạnh các giải pháp chính sách trực tiếp, vấn đề của nước đang phát triển như Việt Nam còn bị chi phối bởi những chính sách phát triển kinh tế, chính sách an sinh xã hội nói chung. Ngay cả các nước phát triển, mặc dù tỷ lệ người hút thuốc có giảm, nhưng bất bình đẳng trong tỷ lệ người hút thuốc vẫn không giảm, thậm chí tăng lên ở một số nước, do tăng tỷ lệ này trong nhóm người yếu thế, bên lề xã hội[19]. Một trong những giải pháp cho vấn đề này, như đã phân tích, chính là tăng thuế thuốc lá với mức cao, giúp giảm lượng thuốc lá được tiêu thụ, giải quyết tình trạng bất bình đẳng trong tỷ lệ hút thuốc giữa các nhóm xã hội[20].
Cũng liên quan đến vấn đề này, cần tham khảo thêm mô hình 4 giai đoạn lây lan, phát triển của “dịch bệnh” thuốc lá, trong nghiên cứu ở các nước phát triển[21]. Trong đó, giai đoạn 2 là lúc mà tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở nam giới tăng lên trên 50%, tình trạng hút thuốc trong giới nữ cũng tăng nhanh. Nhiều nước châu Mỹ la tinh, vùng Bắc Phi, Đông Nam Á và Trung Quốc hiện nay cũng có những đặc điểm phù hợp giai đoạn này. Tuy nhiên, đối với những nước đang phát triển và ở khu vực châu Á, với khác biệt về văn hóa, như Trung Quốc, thì tỷ lệ hút thuốc trong giới nữ không tăng mạnh như các nước phát triển. Điều này cũng tương tự đối với Việt Nam, nhưng do điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng, quan niệm về hút thuốc và các ràng buộc văn hóa, xã hội đối với giới nữ có nhiều thay đổi, nên chính sách kiểm soát thuốc lá cần thích ứng để hạn chế sự bùng nổ tỷ lệ này. Giai đoạn 3 của mô hình là lúc mà tỷ lệ hút thuốc ở cả hai giới lan rộng và đạt mức cao nhất rồi giảm dần. Lúc này, các chương trình tuyên truyền giáo dục có tác dụng rộng khắp, thu được hiệu quả, nhận thức về THTL được nâng cao. Tuy nhiên, số ca tử vong và các bệnh liên quan đến thuốc lá vẫn tiếp tục gia tăng do độ trễ tác động từ việc sử dụng thuốc lá giai đoạn trước, đối với thế hệ trước đó. Áp lực chi phí y tế, gánh nặng xã hội vẫn tiếp tục là mối đe dọa đối với ngân sách và chính sách công. Mặc dù chưa có nghiên cứu chính xác, tình trạng sử dụng thuốc lá ở Việt Nam có thể ở giai đoạn 2; và nhờ những chính sách liên tục thời gian qua, cũng như các đặc điểm riêng của nước đi sau, chúng ta có thể can thiệp để dần chuyển tiếp sang giai đoạn 3 tương ứng trong mô hình. Vì thế, vấn đề cần tập trung giải quyết chính là nâng cao hiệu quả các chương trình tuyên truyền phòng chống tác hại thuốc lá, đồng thời với việc chuẩn bị nguồn lực giải quyết hậu quả về dịch bệnh và vấn nạn xã hội từ sử dụng thuốc lá tràn lan trong suốt thời gian qua. Thêm nữa, cần lồng ghép biện pháp kiểm soát thuốc lá trong các chính sách mới có áp dụng các tiêu chí đo lường chuẩn nghèo đa chiều, giai đoạn 2016 – 2020, trong đó nhấn mạnh đến các dịch vụ xã hội cơ bản như tiếp cận về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin. Đây là vấn đề nan giải và cấp thiết, khi mà trong tương lai gần, Việt Nam phải đối mặt với hàng loạt vấn đề phát triển khác, như ô nhiễm môi trường, dân số già hóa, bất bình đẳng xã hội gia tăng.
Bên cạnh đó, rất khó để đạt được mục tiêu phát triển bền vững khi phải đối mặt và kéo dài tình trạng duy trì, phát triển ngành công nghiệp thuốc lá, rồi phải giải quyết hậu quả xã hội ngành này mang lại. Đây là vấn đề cần cân nhắc đánh đổi giữa lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài, nếu lệ thuộc vào “nền kinh tế thuốc lá” như kinh nghiệm tham khảo ở Trung Quốc. Hơn nữa, ở Trung Quốc, vấn đề tham nhũng trong ngành công nghiệp thuốc lá cũng gây khó khăn cho việc kiểm soát thuốc lá, mà Chính phủ nước này đã phải nghiêm cấm dùng ngân sách công mua các loại thuốc lá và rượu cao cấp[22]. Vì vậy, chúng ta cần có những biện pháp minh bạch và mạnh mẽ hơn nữa trong thực hiện quy hoạch ngành công nghiệp thuốc lá và hướng chuyển đổi sản xuất kinh doanh.
Một số hành động cụ thể khác
Ngoài những khó khăn trong áp dụng Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, chúng ta cần một quyết tâm chính trị để thực hiện các giải pháp sẵn có sao cho hiệu quả hơn, trước hết là trong các cơ quan hành chính nhà nước ở trung ương và địa phương, để gây hiệu ứng lan tỏa đến gia đình, cộng đồng và xã hội. Cần đưa các quy định không hút thuốc lá tại nơi làm việc vào các quy tắc đạo đức và ứng xử chung cho bộ máy hành chính và các tổ chức, đơn vị sự nghiệp, cũng như trong quy chế nội bộ của cơ quan (Điều 6 Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá); có xử phạt nghiêm minh, làm rõ trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra vi phạm, bảo đảm quyền được sống, làm việc trong môi trường không có khói thuốc lá (khoản 1, Điều 7 Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá).
Chúng ta không nên thỏa hiệp với những biện luận về sở thích, thói quen hay quyền riêng tư của cá nhân trong khi hút thuốc lá gây ra những ảnh hưởng tiêu cực, thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe cộng đồng. Ví dụ như nghiên cứu ở Mỹ, lấy ý kiến về hạn chế thuốc lá tinh dầu bạc hà trước hai luồng quan điểm ủng hộ và phản đối, kết quả, tỷ lệ ủng hộ cho việc cấm là 71%[23]. Như vậy, cần phải bảo đảm quyền lợi cho số đông trước tác hại của thuốc lá và SHS, tránh nguy cơ suy giảm nguồn nhân lực. Những quy định này cũng có thể triển khai tới các doanh nghiệp, các khu nhà chung cư, các tổ dân phố không hút thuốc lá, là tiêu chí xét chuẩn gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, mở rộng các địa điểm công cộng không được sử dụng thuốc lá.
Một vấn đề rất quan trọng là giáo dục nâng cao ý thức phòng, chống tác hại thuốc lá đối với trẻ em. Trong khi việc tuyên truyền phổ biến thông tin trên một số phương tiện truyền thông có thể có hiệu quả hạn chế, cần kết hợp can thiệp hướng vào yếu tố xã hội và tâm lý[24] (psychological factors). Có thể tham khảo kinh nghiệm áp dụng biện pháp “tiêm phòng thái độ”[25] (attitude inoculation) cho trẻ em trong các trường học nhằm tạo ra sự “miễn nhiễm đối với những thay đổi” (immunization against change) bất lợi do yếu tố ngoại cảnh tác động. Nhiều nghiên cứu chỉ ra cách tiếp cận khá đơn giản, là hãy đặt học sinh vào các tình huống có thể bị bạn bè lôi kéo vào việc hút thuốc/ hoặc ngăn cản việc bỏ thuốc, để những học sinh này thực hành những phản ứng phòng vệ thích hợp. Kinh nghiệm này sẽ trở nên có ích, giúp trẻ có thái độ hành xử đúng đắn khi gặp phải những tình huống trong thực tế, tránh những va vấp, cuốn vào việc sử dụng thuốc lá. Biện pháp này đã có tác dụng tích cực trong việc giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong trường học, là tiền đề tốt để hạn chế sử dụng thuốc lá ở các bậc học cao hơn. Trong môi trường cam kết không thuốc lá ở các trường đại học, số sinh viên hút thuốc cũng ít hơn và số chấp hành môi trường không hút thuốc cũng chiếm đa số[26].
Thêm nữa, bố mẹ cũng đóng vai trò quan trọng đối với việc giảm hút thuốc lá của con cái. Trong đó, đáng chú ý là việc kiểm soát chặt chẽ của bố mẹ đối với con cái có tác động, ảnh hưởng lớn hơn, nhất là đối với nam giới, so với những hỗ trợ đơn thuần về cảm xúc (khuyên nhủ, động viên) từ bố mẹ, bất kể đối với cấu trúc gia đình khác nhau[27]. Vì vậy, kết hợp các biện pháp tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về phòng, chống tác hại thuốc lá giữa gia đình và nhà trường vẫn là yếu tố then chốt, ảnh hưởng lâu dài đến thế hệ hiện tại và tương lai không thuốc lá./.
Nguyễn Anh Phương
Toàn bộ nội dung bài viết: “Nâng cao hiệu quả chính sách phòng, chống tác hại thuốc lá” đã đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 24 (304), 12/2015.
Phiên bản này có thể khác một chút so với phiên bản đã biên tập và đăng tải trên Tạp chí.
Trích dẫn nguồn: Nguyễn Anh Phương (2015), “Nâng cao hiệu quả chính sách phòng, chống tác hại thuốc lá”, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 24 (304), tr.34-45.
[1] Xem chú thích số 2: WHO (2008).
[2] Xem chú thích 9: WHO (2014).
[3] Kenneth Warner (2001), Tobacco control policy: From action to evidence and back again, American Journal of Preventive Medicine, vol 20, no 2S, pp. 2-5.
[4] World Health Organization (2013), WHO framework Convention on Tobacco control: Guidelines For implementation.
[5] Ví dụ, việc tuyên dương Vinataba trên các phương tiện truyền thông có thể gây ra tác dụng ngược. Xem: Vinataba được vinh danh tại Lễ tuyên dương các công trình, sản phẩm, dịch vụ tiêu biểu và điển hình tiên tiến giai đoạn 2011-2015, truy cập ngày 05/12/2015, http://www.vinataba.com.vn/default.aspx?page=news&do= detail&category_id=50&id=549&menu_id=4
[6] Zhang B, Schwartz R (2015), What effect does tobacco taxation have on contraband? Debunking the taxation – contraband tobacco myth, Ontario Tobacco Research Unit, Special Report, Toronto.
[7] World Health Organization (2010), WHO technical manual on tobacco tax administration. Geneva, Switzerland: World Health Organization.
[8] Xem chú thích 28: Kenneth Warner (2001).
[9] Xem chú thích 7: Scollo & Winstanley (2012).
[10] Young-Hoon (2012), A longitudinal study on the impact of income change and poverty on smoking cessation. Canadian Journal of Public Health, vol. 103, no. 3, pp.189-194.
[11] Xem chú thích 14: Victor Ekpu & Abraham Brown (2015).
[12] Leslie Zellers (2013), Tobacco control legal consortium, global tobacco control: What the U.S. can learn from other countries.
[13] Xem chú thích 14: Victor Ekpu & Abraham Brown (2015).
[14] Kennedy, R, Ellens-clark, S, Nagge, L, Douglas, O, Madill, C & Kaufman, P (2015), A smoke-free community housing policy: Changes in reported smoking behaviour – findings from Waterloo region, Canada, Journal of Community Health, vol. 40, no. 6, pp. 1207-1215.
[15] Shane Davis (2013), The role of tobacco control policies in reducing tobacco use disparities, strengthening psychology’s role in reducing tobacco health disparities.
[16] Xem chú thích 6: Guo H, Sa Z (2015).
[17] Abu Abdullah, Frances Stillman, Li Yang, Hongye Luo, Zhiyong Zhang & Jonathan Samet (2014), Tobacco use and smoking cessation practices among physicians in developing countries: A literature review (1987–2010), Int. J. Environ. Res. Public Health, no. 11, pp. 429-455.
[18] Sebrié, Ernesto M & Glantz, Stanton A (2007), Tobacco industry “Youth Smoking Prevention” programs to undermine meaningful tobacco control in Latin America, American Journal of Public Health.
[19] Reid, Hammond, Boudreau, Fong & Siahpush (2010), Socioeconomic disparities in quit intentions, quit attempts, and smoking abstinence among smokers in four western countries: Findings from the International tobacco control, Four country survey, Nicotine Tob. Res.
[20] Jha P & Peto R (2014), Global effects of smoking, of quitting, and of taxing tobacco, New England Journal of Medicine.
[21] Lopez A, Collishaw N & Piha T (1994), A descriptive model of the cigarette epidemic in developed countries, Tobacco Control, no. 3, pp. 242−247.
[22] John Thornton (2013), The political mapping of China’s tobacco industry and anti-amoking campaign, China Center Monograph Series, no. 5.
[23] Andrew Cheyne, Lori Dorfman, Richard Daynard, Pamela Mejia & Mark Gottlieb (2014), A dangerous loophole vs Freedom of choice, Am J Public Health.
[24] Gilbert Botvin, Steven Schinke, Mario Orlandi (1995), School-based health promotion: Substance abuse and sexual behavior, Applied & Preventive Psychology, Cambridge University Press, no. 4, pp. 167-184.
[25] McGuire, W. J. (1961), Resistance to persuasion conferred by active and passive prior refutation of the same and alternative counterarguments, Journal of Abnormal & Social Psychology, vol. 63, no. 2, pp. 326-332.
[26] Amanda Fallin, Maria Roditis, & Stanton Glantz (2015), Association of campus tobacco policies with secondhand smoke exposure, intention to smoke on campus, and attitudes about outdoor smoking restrictions, Am J Public Health, no.105, pp.1098–1100.
[27] Choquet, M, Hassler, C, Morin, D, Falissard, B, & Chau, N (2008), Perceived parenting styles and tobacco, alcohol and cannabis use among french adolescents: Gender and family structure differentials, Alcohol and Alcoholism: International Journal of the Medical Council on Alcoholism, vol. 43, no. 1, pp. 73-80.
[…] (Xem Phần 2) […]