1. Quốc hội Việt Nam
“Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước” (Điều 69).
Theo Điều 70 Hiến pháp 2013 thì Quốc hội có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
- “Làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp; làm luật và sửa đổi luật;
- Thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội; xét báo cáo công tác của Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán nhà nước và cơ quan khác do Quốc hội thành lập;
- Quyết định mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế – xã hội của đất nước;
- Quyết định chính sách cơ bản về tài chính, tiền tệ quốc gia; quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ các thứ thuế; quyết định phân chia các khoản thu và nhiệm vụ chi giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; quyết định mức giới hạn an toàn nợ quốc gia, nợ công, nợ chính phủ; quyết định dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước;
- Quyết định chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo của Nhà nước;
- Quy định tổ chức và hoạt động của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán nhà nước, chính quyền địa phương và cơ quan khác do Quốc hội thành lập;
- Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, Tổng Kiểm toán nhà nước, người đứng đầu cơ quan khác do Quốc hội thành lập; phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; phê chuẩn danh sách thành viên Hội đồng quốc phòng và an ninh, Hội đồng bầu cử quốc gia. Sau khi được bầu, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao phải tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp;
- Bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn;
- Quyết định thành lập, bãi bỏ bộ, cơ quan ngang bộ của Chính phủ; thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt; thành lập, bãi bỏ cơ quan khác theo quy định của Hiến pháp và luật;
- Bãi bỏ văn bản của Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội;
- Quyết định đại xá;
- Quy định hàm, cấp trong lực lượng vũ trang nhân dân, hàm, cấp ngoại giao và những hàm, cấp nhà nước khác; quy định huân chương, huy chương và danh hiệu vinh dự nhà nước;
- Quyết định vấn đề chiến tranh và hòa bình; quy định về tình trạng khẩn cấp, các biện pháp đặc biệt khác bảo đảm quốc phòng và an ninh quốc gia;
- Quyết định chính sách cơ bản về đối ngoại; phê chuẩn, quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực của điều ước quốc tế liên quan đến chiến tranh, hòa bình, chủ quyền quốc gia, tư cách thành viên của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại các tổ chức quốc tế và khu vực quan trọng, các điều ước quốc tế về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và điều ước quốc tế khác trái với luật, nghị quyết của Quốc hội;
- Quyết định trưng cầu ý dân”.
Ngoài ra, Điều 78, Hiến pháp 2013 quy định: “Khi cần thiết, Quốc hội thành lập Ủy ban lâm thời để nghiên cứu, thẩm tra một dự án hoặc điều tra về một vấn đề nhất định”.
2. Quốc hội Hoa Kỳ
Hiến pháp Hoa Kỳ* quy định tại khoản 1, Điều 1 như sau:
“Toàn bộ quyền lực lập pháp được thừa nhận tại đây sẽ được trao cho Quốc hội Hoa Kỳ. Quốc hội gồm có Thượng viện và Hạ viện”.
Tại khoản 8, Điều 1 Hiến pháp Hoa Kỳ quy định:
“Quốc hội có quyền đặt ra và thu các khoản thuế, thuế quan, thuế môn bài để trả các khoản nợ và chi phí cho quốc phòng và phúc lợi công cộng của Hoa Kỳ. Các khoản thuế quan và thuế môn bài đều phải thống nhất trên toàn lãnh thổ Hoa Kỳ;
– Vay tiền theo tín dụng cho Hoa Kỳ;
– Quy định về thương mại với nước ngoài, giữa các bang, và với các Bộ lạc da đỏ;
– Thiết lập các đạo luật thống nhất về việc nhập quốc tịch và luật thống nhất về các vấn đề phá sản trên toàn lãnh thổ Hoa Kỳ;
– Quyết định việc đúc và in tiền, quy định giá trị của đồng tiền trong nước, và đồng tiền nước ngoài, và xác định các tiêu chuẩn đo lường;
– Quy định các hình phạt đối với những vụ làm giả trái phiếu và đồng tiền đang lưu hành ở Hoa Kỳ;
– Thiết lập các bưu điện và mạng lưới bưu điện;
– Thúc đẩy sự tiến bộ của khoa học và các nghệ thuật hữu ích, bằng cách đảm bảo quyền sở hữu của các tác giả và nhà phát minh đối với các tác phẩm và phát minh trong thời gian hạn định;
– Thiết lập các tòa án dưới quyền của Tòa án tối cao;
– Xác định và trừng phạt các tội cướp biển và trọng tội xảy ra trên biển, và những sự vi phạm luật pháp quốc tế;
– Tuyên chiến, ban bố văn bản trao quyền cho các tầu tư nhân được phép tấn công các tàu nước ngoài và quy định những luật liên quan tới sự chiếm dụng trên bộ và mặt nước;
– Xây dựng và chu cấp cho quân đội, nhưng việc chi tiêu các khoản kinh phí này chỉ trong thời hạn không quá hai năm;
– Thiết lập và duy trì quân chủng hải quân;
– Quy định các luật và các quy chế về lực lượng lục quân và hải quân;
– Trù liệu việc triệu tập lực lượng dự bị của các tiểu bang nhằm thực thi luật pháp của Liên bang, trấn áp các cuộc phiến loạn và đẩy lùi xâm lăng;
– Trù liệu việc tổ chức, vũ trang và duy trì kỷ luật các lực lượng dự bị của các bang, và trù liệu việc lãnh đạo các lực lượng này khi được huy động vào lực lượng liên bang Hoa Kỳ, trong khi vẫn giành cho các bang cụ thể quyền bổ nhiệm các sỹ quan và quyền huấn luyện lực lượng dự bị của mỗi bang theo kỷ luật chuyên ngành mà Quốc hội đã quy định;
– Thực thi luật đặc biệt trong mọi trường hợp, đối với những khu vực (không quá 10 dặm vuông), bằng cách các tiểu bang nhượng quyền, và Quốc hội chấp thuận, khu này sẽ trở thành địa điểm của Chính phủ Liên bang, và thực thi quyền lực liên bang tại tất cả những địa điểm được Chính phủ Liên bang mua lại với sự đồng ý của cơ quan lập pháp tiểu bang, cũng theo cách như vậy để xây dựng các thành trì, kho vũ khí, xưởng chế tạo vũ khí, kho cảng và các cơ sở cần thiết khác; Và
– Xây dựng mọi điều luật cần thiết và thích hợp để thực thi những quyền lực nói trên, cũng như tất cả những quyền lực khác đã được Hiến pháp này trao cho Nhà nước Hoa Kỳ, hoặc cho bất cứ một cơ quan và quan chức nào khác của Nhà nước”.
chinhsach.vn
* Có thể xem toàn văn tại đây: https://www.archives.gov/founding-docs/constitution-transcript
[…] Xem: Nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội […]