Hiệu suất chính sách công là gì?
(Policy) Efficiency
Định nghĩa khái niệm hiệu suất trong khoa học chính sách
Hiệu suất (Efficiency) là một tiêu chí kỹ thuật phản ánh mức độ liên quan của tổng chi phí để triển khai thực hiện một chính sách tới việc đạt được các lợi ích và mục tiêu chính sách kỳ vọng. Hiệu suất của chính sách công được đo lường bởi tỷ số giữa tổng lợi ích đạt được của xã hội với tổng các chi phí để hình thành và triển khai thực hiện chính sách.
Cũng có thể nói, tiêu chí hiệu suất của chính sách công quan tâm tới cách thức đạt được mức độ lợi ích lớn nhất cho xã hội, từ một mức (dự toán) chi ngân sách nhà nước; Hoặc nhằm đạt được những lợi ích kỳ vọng với mức chi ngân sách nhà nước thấp nhất.
Khi nói đến hiệu suất thì thường gắn với hiệu suất kinh tế (Economic efficiency): đo lường tỷ số giữa lợi ích kinh tế với chi phí kinh tế của một lựa chọn chính sách công.
Cách nhận biết đơn giản về hiệu suất là đạt được lợi ích kinh tế lớn nhất với chi phí thấp nhất.
Mở rộng
– Thứ nhất, đối với tiêu chí này, cần phân biệt với cách gọi dễ gây nhầm lẫn, nhưng lại khá phổ biến trong nghiên cứu chính sách công ở Việt Nam, là: “Hiệu lực” của chính sách, với cụm từ “hiệu lực, hiệu quả” thường đi cùng với nhau khi phân tích về hiệu quả của chính sách, các tiêu chí đánh giá, và các vấn đề liên quan.
Từ “hiệu lực” thường được hiểu là: yêu cầu, tác dụng trên thực tế, hay là giá trị pháp lý của chính sách (nhất là đối với vấn đề về tính hiệu lực theo thời gian, và bảo đảm hiệu lực thực thi của các văn bản quy phạm pháp luật ở nước ta).
Vì vậy, khi nói đến hiệu suất như một tiêu chí phân tích, đánh giá chính sách, thì nên hạn chế cách sử dụng từ “hiệu lực” theo nghĩa tương đương hoặc thay thế, bởi vì bản chất vấn đề ở đây là nhằm phân tích, đánh giá, so sánh chi phí – lợi ích kinh tế của chính sách công hay các đề xuất chính sách, khác với ý nghĩa là xem xét giá trị thi hành (tính bắt buộc)* – một nghĩa khá thông dụng của từ “hiệu lực” như đã nói trên.
– Thứ hai, hiệu suất cũng thường hay bị nhầm lẫn, khó phân biệt với hiệu quả (Effectiveness). Thường thì hiệu suất có thể đo lường (khối lượng, thời gian, chi phí…) cụ thể, chi tiết, rõ ràng hơn so với hiệu quả.
Trong việc xây dựng nội dung các tiêu chí phân tích chính sách, cần lưu ý phân biệt: Hiệu suất cho thấy cách thức thực hiện đúng đắn để đạt kết quả; trong khi hiệu quả là sự khẳng định đã đạt đúng kết quả kỳ vọng.
– Thứ ba, khi phân tích, đánh giá chính sách thì hiệu suất là một tiêu chí rất phổ biến, cùng với hiệu quả (Effectiveness), công bằng (Equity), và khả thi chính trị (political feasibility).
Nguyễn Anh Phương
Tài liệu tham khảo
Kraft, M & Furlong, S (2015), Public policy: politics, analysis, and alternatives, 5th ed, CQ Press.
* Nếu cần xem xét đánh giá khả năng, mức độ có hiệu lực khi thực thi chính sách thì xây dựng tiêu chí riêng là tính hiệu lực của chính sách để tránh nhầm lẫn khi giải thích nội dung các tiêu chí.
———————————————————–
Xem: Khái niệm chính sách công
Xem: Tính hiệu quả của chính sách công
Xem: Thực thi chính sách
Xem: Đánh giá chính sách
Xem: Tính khả thi chính trị
Quay lại: Thuật ngữ chính sách