Bình đẳng giới là gì?
Bình đẳng giới là một trong những chủ đề ưu tiên trong chính sách phát triển, đặc biệt đối với các nước đang phát triển. Mục tiêu thứ ba trong Các mục tiêu thiên niên kỷ chính là thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.
- Xem: Bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ, và giáo dục chất lượng, toàn diện
- Tham khảo thêm: 17 Mục tiêu Phát triển bền vững
Bài viết này khái quát điểm mạnh, điểm yếu của một số lý thuyết tiếp cận chính sách đối với vấn đề bình đẳng giới trong quá trình phát triển của nó, bao gồm tiếp cận: Phúc lợi, WID (Women In Development – phụ nữ trong phát triển) và GAD (Gender and Development – Giới và phát triển).
Giới được hiểu là cấu trúc xã hội và văn hóa, liên quan đến tương quan vị trí của nam và nữ (Razavi & Miller 1995).
Bình đẳng giới là tạo điều kiện để phụ nữ có ngang bằng về cơ hội và kết quả đạt được so với nam giới, bao gồm khả năng tham gia vào môi trường làm việc và cộng đồng (Reeves & Baden 2000).
Trong mối liên hệ với tiếp cận chính sách về bình đẳng giới, có nhiều phân loại khác nhau, trong đó còn có một số cách tiếp cận khác như tiếp cận trao quyền, tiếp cận tự do, tiếp cận phụ nữ và phát triển. Bài viết này chỉ tập trung vào ba tiếp cận chính: Phúc lợi, WID và GAD.
Bình đẳng giới
Lý thuyết tiếp cận Phúc lợi
Phương pháp dựa trên mô hình phúc lợi xã hội quan tâm đến vai trò của phụ nữ dưới góc độ làm vợ và làm mẹ, với chính sách phúc lợi xã hội liên quan tới vấn đề ‘giáo dục về dinh dưỡng và kinh tế gia đình’ (Razavi & Miller 1995). Đây là phương pháp tiếp cận sớm nhất, và cho đến nay vẫn còn đóng vai trò quan trọng, đặc biệt đối với các nước chậm phát triển.
Ưu điểm của phương pháp tiếp cận này là nhấn mạnh vào chức năng làm mẹ, duy trì nòi giống của người phụ nữ. Từ đó, xây dựng chính sách ưu tiên cho phát triển kinh tế hộ gia đình, cung cấp hàng hóa và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhằm hỗ trợ cho người mẹ và trẻ em (Caroline 1989). Cho đến nay, các chương trình này vẫn còn chứng minh tính hiệu quả đối với các khu vực đói nghèo, các quốc gia kém phát triển. Hơn nữa, tiếp cận này cũng không đòi hỏi những nỗ lực làm thay đổi về chính trị liên quan đến địa vị xã hội của phụ nữ. Nó cũng dễ dàng áp dụng trong thực hành các chương trình phát triển, khi chỉ quan tâm cung cấp các dịch vụ cơ bản.
Nhược điểm của phương pháp tiếp cận Phúc lợi là nó không xem xét khía cạnh hiệu quả, năng suất, và vai trò quản lý cộng đồng xã hội của người phụ nữ. Trong phương pháp này, thay vì chủ động tham gia, người phụ nữ là bên thụ động thụ hưởng quyền lợi trong quá trình phát triển (Caroline 1989). Do đó, cách tiếp cận phúc lợi, tự nó giới hạn ảnh hưởng trong không gian vai trò truyền thống của người phụ nữ.
Lý thuyết tiếp cận Phụ nữ trong Phát triển
Trong khi đó, cách tiếp cận Phụ nữ trong phát trển – WID xuất hiện từ khoảng những năm 1970, từ phong trào nữ quyền tự do, hướng vào vai trò phụ nữ trong quá trình phát triển, xác lập nhu cầu chủ động tham gia vào hệ thống kinh tế, nhằm đạt được tính hiệu quả và năng suất phát triển (Boserup 1970). WID xem xét những đóng góp của phụ nữ trong quá trình sản xuất; giải quyết các vấn đề về tiếp cận vốn, giáo dục, việc làm và tạo thu nhập cho phụ nữ. Do đó, yếu tố quan trọng nhất của WID là tạo ra phương tiện để thúc đẩy nữ quyền và bình đẳng địa vị của phụ nữ (Young 1997).
Điểm yếu của WID là đã bỏ qua yếu tố giới, chỉ xem xét vai trò của phụ nữ ‘không bao gồm bất cứ sự thay đổi tương ứng hoặc sự tương tác từ nam giới’ (Young 1997). Hơn nữa, việc nhấn mạnh vào (giảm) nghèo đói và yếu tố kinh tế dẫn đến những tác động tiêu cực của việc ‘che khuất cấu trúc bất bình đẳng giới’ (Tasli 2007). Do đó, mặc dù WID đã đưa vấn đề phụ nữ vào những thảo luận chính sách phát triển, vẫn còn rất khó để phụ nữ thực sự tham gia vào tiến trình phát triển trong thực tế.
Lý thuyết tiếp cận Giới và Phát triển
Ngược lại, phương pháp tiếp cận GAD, xuất hiện từ khoảng những năm 1980, đã dịch chuyển từ khái niệm ‘phụ nữ’ sang khái niệm ‘giới’, một trong những yếu tố quan trọng nhất của GAD. Phương pháp này đặt trọng tâm vào ‘cấu trúc xã hội cơ bản của sự khác nhau gữa nam giới và nữ giới’; thử thách mối quan hệ về giới khi đó (Reeves & Baden 2000); và thúc đẩy giải phóng phụ nữ (Tasli 2007). Giới được xem xét trong mối quan hệ xã hội, sự liên hệ giữa nam giới và nữ giới, hơn là chỉ tập trung vào giới nữ (Razavi & Miller 1995). Hơn nữa, nó cũng làm rõ nhu cầu cần có sự tham gia của nam giới trong việc cải thiện vai trò của người phụ nữ trong hoạt động kinh tế xã hội. Trong phương pháp tiếp cận này, phụ nữ nên tham gia vào quá trình ra quyết định như một nhân tố chủ động, tích cực. Cùng với đó, nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tự do nữ quyền, thông qua các chính sách ưu tiên phụ nữ (Tasli 2007). Một chiến lược quan trọng của GAD là xu hướng giới chủ đạo xác định vấn đề lồng ghép giới ở mọi cấp độ phát triển và lĩnh vực công (Reeves & Baden 2000).
Tuy nhiên, quan điểm phê phán phương pháp tiếp cận GAD, e ngại tính khả thi của việc ra quyết định chính sách phát triển vì phụ nữ với chiến lược từ trên xuống. Chiến lược này đòi hỏi ý chí, quyết tâm chính trị. Trong khi đó, lĩnh vực này nam giới thường chiếm số đông, nên có thể sẽ không đạt được các mục tiêu đề ra. Thêm nữa, phía phê phán cho rằng, giả thiết cải thiện điều kiện kinh tế của phụ nữ sẽ đóng gióp cho thúc đẩy bình đẳng giới, sau tất cả, chỉ là phương tiện hỗ trợ tăng trưởng kinh tế (Signe 2001).
Ngoài ra, GAD vẫn còn chưa phân biệt rõ sự khác nhau giữa khái niệm giới và phụ nữ. Giới không được giải thích nhất quán và là một yếu tố trung tính, gồm cả nam và nữ. Thậm chí, có những lo ngại sự dân chủ hóa vấn đề nữ quyền dường như mang lại những tác động ngược (Signe 2001).
Tóm lại, cách tiếp cận phúc lợi chưa vượt ra ngoài quan điểm truyền thống về vai trò phụ nữ. Trong khi đó, sự khác nhau giữa WID và GAD, chủ yếu dựa trên cách tiếp cận về vai trò và vị trí của phụ nữ trong xã hội. WID chủ yếu tập trung vào nhu cầu chủ động tham gia vào quá trình phát triển của phụ nữ (một cách riêng biệt); GAD tiếp cận vai trò và vị trí của giới nữ đặt trong mối tương tác với giới nam. Về lý thuyết thì WID và GAD là phân biệt nhau. Mặc dù vậy, nó ít có ranh giới phân biệt rõ ràng trong thực tế, và số dự án phát triển thường bao gồm các yếu tố của cả 2 phương pháp tiếp này (Reeves & Baden 2000).
Nguyễn Anh Phương
Gợi ý trích dẫn nguồn:
Nguyễn Anh Phương (2015), Bình đẳng giới: Phụ nữ, giới và phát triển, https://chinhsach.vn/binh-dang-gioi-phu-nu-gioi-va-phat-trien/, truy cập ngày …/…/…
Tài liệu tham khảo
Caroline, M 1989, Gender planning in the Third World: Meeting practical and strategic gender needs”.
Beneria, L & Sen, G 1980, ‘Accumulation, reproduction, and “women’s role in economic development”: Boserup revisited’.
Boserup, E 1970, Woman’s Role in Economic Development.
Rathgeber, E 1990, “WID, WAD, GAD: Trends in Research and Practice”.
Razavi, S & Miller, C 1995, From WID to GAD: Conceptual shifts in the women and development discourse.
Reeves, H & Baden, S 2000, Gender and Development: Concepts and Definitions, Bridge.
Tasli, K 2007, A Conceptual Framework for Gender and Development Studies: From Welfare to Empowerment.
The World Bank 2012, ‘World development report 2012, Gender equality and development’.
Signe, A 2001, Question of Power: Women’s Movements, Feminist Theory
and Development Aid.
Young, K 1997, Gender and Development, The Women, Gender and Development Reader.
Linh Trang says
Em chào anh. Cảm ơn anh vì những bài viết rất hay về chính sách ạ. Hiện tại em đang tìm hiểu về 2 phần: quy trình thiết kế chính sách công và chu trình hoạch định chính sách công của nhà nước ta ( theo PGS.TS Vũ Hoàng Công) ở giáo trình Chính trị học đại cương (của PGS.TS Nguyễn Văn Vĩnh và Lê Văn Đính) và có rất nhiều thắc mắc xung quanh hai vấn đề này mong anh dành thời gian giải đáp giúp em ạ :
1. Em lấy ví dụ về chính sách bình đẳng giới để minh họa về chính sách công và quy trình hoạch định của nó.Tuy nhiên một số nguồn lại ghi chính sách bình đẳng giới là chính sách xã hội. Em mong anh giải đáp và có thể cho em thêm nguồn tài liệu về việc thiết kế, hoạch định chính sách này ạ.
2.Một quy trình thiết kế chính sách thường diễn ra trong bao lâu ạ?
3.Trong cuốn giáo trình ở mục chu trình hoạch định chính sách công,có sơ đồ tóm tắt quy trình tổng thể của việc hoạch định chính sách công ở VN,nhưng em không hiểu rõ được sơ đồ, anh có thể gợi ý cho em nguồn tài liệu để hiểu thật sâu quy trình này được không ạ?
4.Em muốn hỏi về quyền lực và nhiệm vụ của Nhà nước và Đảng ta trong việc thiết kế và hoạch định chính sách công là như thế nào ạ?
5.Thể chế nhà nước có khác nên việc đưa ra các chính ở mỗi nước cũng khác nhau, em muốn tìm tài liệu về vấn đề này ở Mỹ( một nhà nước tư bản),và Trung Quốc( nhà nước XHCN) để liên hệ ạ.
Do có quá nhiều vấn đề thắc mắc nhưng em mong anh có thể dành thời gian giải đáp giúp em ạ.
Em xin chân thành cảm ơn ạ.
Nguyễn Anh Phương says
Đã trả lời bạn qua email rồi.
Hôm nay thấy nhiều người tìm người đọc bài viết này, nên mình reply lại comment trực tiếp trên đây, để nói thêm chút là hiện tại chinhsach.vn đã cập nhật thêm nhiều nội dung, trong đó có những bài viết liên quan đến các vấn đề ở trên để các bạn có thể tìm đọc.
Trân trọng.