Đạo đức công vụ
Ở một số nhà nước phương Tây, khi xảy ra mâu thuẫn về lợi ích, suy đến cùng, công chức nhà nước phải chịu trách nhiệm trước các lợi ích công cộng và quá trình dân chủ, vượt trên các lợi ích của chính phủ hiện hành (Uhr 2005). (Bài viết này giới hạn trong việc tham khảo một số kinh nghiệm các nước phương Tây, do đó, có nhiều điểm khác với cách thức tổ chức quyền lực nhà nước ở Việt Nam). Vấn đề này có liên quan đến các khía cạnh như trách nhiệm đạo đức công vụ, sự liêm chính trong lĩnh vực công, và quản lý thông tin liên quan đến việc Chính phủ che giấu Nghị viện, đe doạ những giá trị dân chủ.
Công chức nên phục vụ cho các lợi ích cộng đồng và nghị viện dân chủ, hơn là chỉ phục vụ cho lợi ích của riêng chính phủ hiện hành, thường được thành lập bởi đảng chiếm đa số, hoặc qua bầu cử trực tiếp (thủ tướng/tổng thống), trong trường hợp các lợi ích này xung đột nhau. Các bộ trưởng có thể che giấu thông tin, ví dụ như sử dụng thông tin tình báo thiên lệch, không chính xác, trong khi theo đuổi chính sách của chính phủ hoặc đảng chính trị. Điều này có thể làm ảnh hưởng đến lợi ích công cộng. Trong trường hợp như vậy, các công chức chuyên nghiệp không chỉ chịu trách nhiệm trước bộ trưởng, mà nên hành động với tinh thần chịu trách nhiệm cao hơn đối với Nghị viện (Uhr 2005).
Vấn đề trách nhiệm đạo đức công vụ không chỉ xem xét ở góc độ bộ trưởng có sử dụng những lời khuyên ngay thẳng hay không, mà cao hơn, là thái độ đối với hệ thống hành chính đang tiếp tục che giấu, lừa dối Nghị viện. Đạo đức công vụ, trước tiên, quan tâm đến trách nhiệm trong nội bộ chính phủ. Nó cho thấy các chuyên viên hỗ trợ hay phản đối đề xuất chính sách của bộ trưởng. Thêm nữa, công chức nên hành động trên cơ sở niềm tin rằng, nghĩa vụ công là phục vụ quá trình dân chủ và đảm bảo trách nhiệm đạo đức chống lại những quyết định dẫn tới sự che giấu, hay lừa dối Nghị viện (Uhr 2005).
Bên cạnh đó, việc quản lý thông tin có nghĩa là lựa chọn việc báo cáo lên bộ trưởng, hoặc tiết lộ, rò rỉ ra những thông tin liên quan đến Chính phủ. Công chức không nên tự ý cung cấp thông tin ra cho các phương tiện truyền thông, vì hành vi này là xâm phạm các nguyên tắc của đạo đức công vụ. Ngược lại, nếu việc báo cáo lên bộ trưởng trong hệ thống hành chính mà không hiệu quả, thì việc báo cáo Nghị viện là có thể cân nhắc, và thực tế đã xảy ra. Ở đây liên quan đến sự cân nhắc về trách nhiệm đạo đức và trách nhiệm giải trình của công chức đối với chính phủ và đối với Nghị viện (Uhr 2005).
Do đó có thể thấy, tại một số nước tư bản phương Tây, công chức nên đảm bảo tính chịu trách nhiệm đạo đức, sự liêm chính và trách nhiệm giải trình đối với các lợi ích quốc gia, hơn là chỉ với những lợi ích giới hạn của Chính phủ hiện hành.
Xem: Hành chính công
Xem thêm: Giá trị đạo đức công và giới hạn trách nhiệm trong thực thi công vụ
https://chinhsach.vn/gia-tri-dao-duc-cong-va-gioi-han-trach-nhiem-trong-thuc-thi-cong-vu/
Nguyễn Anh Phương
chinhsach.vn
Tài liệu tham khảo
Uhr, J 2005, ‘National security and government: at war with ethics’, ch. 7 in Terms of trust, University of New South Wales Press, Sydney, pp. 159-86, 222-3.
[…] nhưng các công chức trong bộ máy hành chính vẫn tiếp tục phục vụ và chịu trách nhiệm trước Chính phủ mới. Để đảm bảo tính chuyên nghiệp, ổn định và liên […]